Tranh cãi Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kỳ II): Nhà khoa học “bàn ra”
Tại Hội nghị về dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức tại tỉnh Kiên Giang đã có hai luồng ý kiến: ủng hộ và quan ngại của các chuyên gia, nhà khoa học về dự án này...
Theo nhóm nghiên cứu của Trường đại học Cần Thơ gồm TS Lê Anh Tuấn, Ths Nguyễn Hữu Thiện, TS Dương Văn Ni, TS Nguyễn Hồng Tín và TS Đặng Kiều Nhân đã đưa ra những ý kiến lo ngại về dự án này.
Lo ngại “thủy lợi” thành “thủy hại”
Cụ thể, nhóm nghiên cứu này cho rằng: các mục tiêu của dự án thiếu tính thuyết phục. Nhóm đặt câu hỏi, tranh chấp mặn - ngọt đã kéo dài nhiều năm, liệu dự án này có thể giải quyết được không? Ths Thiện cho rằng, không nên lấy sự kiện cực đoan mùa khô năm 2016 làm chuẩn về tình hình chung để xây dưng công trình vì năm 2016, được xem là hạn mặn lịch sử chu kỳ hàng trăm năm mới lập lại. Về mục tiêu thứ ba “tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua, cải tạo đất phèn”, nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là mục tiêu mà từ các giải pháp cho đến tính khả thi đều kém thuyết phục nhất.
“Tôi đã từng chứng kiến cảnh người nông dân tay len, tay cuốc kéo nhau đi đắp đê ngăn mặn để trồng lúa. Rồi cũng những nông dân ấy với những dụng cụ ấy lại kéo nhau đi phá đập lấy nước mặn nuôi tôm. Ở vùng bán đảo Cà Mau, con tôm và cây lúa mâu thuẫn nhau mấy chục năm qua, đó là do thiếu sự đa dạng về cây trồng vật nuôi, chứ không mâu thuẫn giữa mặn - ngọt. Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đã xác định quy luật “thuận thiên”, nghĩa là không can thiệp bằng công trình nếu chưa đến mức cần thiết, do vậy cần xem xét lại việc đầu tư dự án này”, TS Ni băn khoăn.
Dù đã được các chuyên gia lên tiếng phản biện, nhưng phía Bộ NN -PTNT lẫn các địa phương trong vùng dự án vẫn cho rằng việc xây dựng dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé là cần thiết
GS. TS Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên chủ nhiệm Chương trình cấp nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp khu vực ĐBSCL, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo nghiên cứu ngọt hóa bán đảo Cà Mau cũng đã nêu cảnh báo sự tác động quá mức của con người vào tự nhiên có thể biến “thủy lợi” thành “thủy hại”, do đó GS Trân đề nghị cần tổ chức thêm các cuộc hội thảo để có cái nhìn thấu đáo hơn, nếu xác định không đúng nguyên nhân, rồi từ đó cho là cần thiết đầu tư thì dễ rơi vào vòng xoáy đầu tư kém hiệu quả, phóng lao thì phải theo lao.
Trước khi đầu tư cần cân nhắc kỹ các giải pháp phi công trình, rà soát, phát huy hiệu quả công trình hiện có, sử dụng có hiệu quả và chỉ quyết định đầu tư khi thật sự bức xúc và cần thiết.
Cần giải pháp ứng phó với diễn biến bất thường
TS Tô Văn Trường bày tỏ đồng tình với quan điểm của GS Nguyễn Ngọc Trân: “Tôi không phản đối, nếu cơ quan tư vấn và Bộ NN & PTNT chứng minh giải trình được việc xây dựng cống Cái Lớn-Cái Bé là cần thiết và đầu tư không hối tiếc...
Thực tế, vùng dự án nói riêng và khu vực tứ giác Cái Sắn - Xà No - Bán đảo Cà Mau là một vùng đất thấp trũng nằm kẹp giữa một bề là sông và ba bề là biển, chứa đựng tổ hợp của các hệ sông triều kết hợp với các quá trình sông-kênh-rạch... Chúng khác nhau xa về độ lớn, về pha, về hướng, về tốc độ, về lực, về khối lượng... đã gắn kết lại với nhau tạo thành “trận đồ bát quái” phức tạp về điều kiện tự nhiên vào loại bậc nhất thế giới”, TS Trường bày tỏ lo ngại.
Dưới góc nhìn tổng quát hơn, GS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi (nguyên Thứ trưởng Bộ NN & PTNT) cho rằng: Áp dụng nguyên tắc “thuận thiên” theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ ngay 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu không phải là “có sao để vậy” mà phải linh hoạt thích ứng, đồng thời, phải có giải pháp về công trình để ứng phó với diễn biến bất thường nhằm tránh “cú sốc” cho môi trường sản xuất, sinh hoạt của người dân khi có sự biến đổi đột ngột về điều kiện tự nhiên.
“Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo đã gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng trực tiếp và là mối đe dọa đến đời sống và sinh kế của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là việc xây dựng các công trình thủy điện, hồ chứa đã làm thay đổi chế độ dòng chảy, giảm lượng nước mùa kiệt, giảm lượng phù sa... gây tác động tiêu cực và là mối nguy hại đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Trước những dự báo diễn biến điều kiện tự nhiên ngày càng phức tạp hơn đòi hỏi ngay từ bây giờ chúng ta phải có những giải pháp ứng phó, mà Dự án thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé là một trong số những công trình như vậy”, GS Học phân tích.
Kỳ III: Đầu tư có hối tiếc?