Hóa giải nỗi lo doanh nghiệp ngoại "bao sân" thị trường bán lẻ Việt

Ngọc Hà 30/09/2018 11:00

"Khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện liên doanh hay M&A họ lập tức có hàng trăm điểm bán hàng mới, khi đó không phải kiểm tra nhu cầu kinh tế, mạng lưới, sức mua".

Trước những lo ngại về việc nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm chia xong thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đang hết sức màu mỡ, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú – Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội.

Theo đó, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thông tin, vừa qua, Bộ Công thương cũng đã có văn bản quy định về việc mở cơ sở kinh doanh mới có diện tích nhỏ hơn 500 m2, thì không phải kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Như vậy, quy định này đã “mở toang” cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nâng cao năng lực

Nâng cao năng lực ngành chế biến sản xuất được xem là giải pháp cần phải thực hiện nhằm giúp doanh nghiệp nội có thể giữ được thị phần bán lẻ trên sân nhà. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet).

Nhìn vào thị trường bán lẻ hiện nay có thể thấy, cuộc đua đang rất “khốc liệt” giữa các nhà đầu tư nước ngoài, sau thời gian dài M&A họ đã và đang tiến hành tái cơ cấu lại các điểm bán mới và mở thêm các điểm bán mới để chiếm lĩnh thị trường. Vì vậy, không phải bây giờ mới xuất hiện những nỗi lo về việc nhà đầu tư ngoại “nuốt chửng” doanh nghiệp nội sau khi hợp tác và đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • "Sức bật" để doanh nghiệp nội dẫn dắt thị trường bán lẻ

    05:15, 28/09/2018

  • Thị trường bán lẻ Việt: Doanh nghiệp ngoại sẽ sớm chia xong thị phần?

    Thị trường bán lẻ Việt: Doanh nghiệp ngoại sẽ sớm chia xong thị phần?

    11:01, 27/09/2018

  • Vì sao nhà đầu tư “sành sỏi” tiếp tục rót vốn “khủng” vào thị trường bán lẻ?

    Vì sao nhà đầu tư “sành sỏi” tiếp tục rót vốn “khủng” vào thị trường bán lẻ?

    04:35, 24/08/2018

  • 7 bài học kinh doanh cho mô hình bán lẻ trong thời đại số

    7 bài học kinh doanh cho mô hình bán lẻ trong thời đại số

    04:06, 21/08/2018

 Theo thông tin từ chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, hiện nay, hàng điện máy của Thái Lan, Malaysia, Singapore đã chiếm 70% tại thị trường Việt Nam, hàng đồ chơi trẻ em, may mặc của Trung Quốc đã chiếm 50%, chỉ còn nhóm nông sản thực phẩm doanh nghiệp nội giữ thị phần còn cao.

Tuy nhiên, có lẽ lo ngại về hàng Thái "bao sân" thị trường bán lẻ Việt là lớn nhất. Được biết, cách đây hàng chục năm, Thái Lan đã từng có tham vọng "biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường". Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm. Thực tế đã chứng minh điều này, ngoài việc thực hiện liên doanh hợp tác, M&A, họ đã đầu tư, sản xuất và phân phối bằng mọi con đường. Ngoài ra, cũng phải thừa nhận rằng, hàng Thái Lan có ưu thế về chất lượng, mẫu mã, tiếp thị, quảng cáo, hệ thống phân phối... tốt và tiềm lực mạnh về tài chính.

"Họ hoàn toàn có thể lựa chọn chiến lược khuyến mãi hoặc lỗ vài năm để chiếm lòng tin của người tiêu dùng. Kết quả là tính đến thời điểm hiện nay, hàng triệu gia đình Việt Nam đều có sản phẩm của Thái Lan", chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú phân tích.

Chính vì vậy, theo ông Vũ Vính Phú, ENT sẽ không còn đủ mạnh để có thể "bảo hộ" được hoạt động của doanh nghiệp nội.  Vì vậy, vị chuyên gia này đề xuất: "Những quy định liên quan đến hoạt động này phải được Luật hoá một cách rõ ràng, rành mạch. Không thể chỉ dừng ở mức hô hào, chung chung và ở các thị trường nước ngoài, họ làm rất tốt việc này là do họ đã Luật hoá".

Ví dụ như Thái Lan, họ đã có quy định rất rõ ràng trong Luật rằng, trên địa bàn quận, số điểm bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài chỉ được chiếm ở mức không quá khoảng 30%, mặt hàng bán trong siêu thị có nguồn gốc nhập khẩu không quá 50%. Việc quy định rõ ràng như vậy khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia vào thị trường Thái Lan đều biết để dễ thực hiện.

Để nâng cao vị thế của doanh nghiệp nội, theo các nhà phân tích không còn con đường nào khác là đầu tư cho ngành bán lẻ trong nước mạnh lên thông qua những quy định phù hợp, nhất là tạo cho doanh nghiệp Việt cơ hội tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh cũng như tạo lập sự minh bạch, bình đẳng về môi trường kinh doanh.

Theo đó, ông Phú đề xuất: "Bên cạnh việc tăng cường mối liên kết giữa nhà sản xuất và kênh phân phối thì ngành sản xuất Việt Nam, đặc biệt là những ngành sản xuất nông sản, thực phẩm nội phải đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và nâng chất lượng hàng hoá Việt lên một tầm cao hơn. Theo đó, phải cần những doanh nghiệp nội lớn là những "người khổng lồ" dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt".

Ngọc Hà