Giải bài toán thu hút FDI vào những lĩnh vực phát triển bền vững
Thu hút FDI vào những lĩnh vực phát triển bền vững phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Theo đó, điều này cần sự hợp tác và đổi mới từ cả ba bên Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động.
Thu hút FDI đang có sự chuyển dịch lớn khi tỷ trọng của các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đang giảm dần, tập trung hơn vào nhóm ngành tiện ích. Tỷ trọng thu hút đầu tư của nhóm ngành này chiếm 42% trong năm 2017, so với con số 1% của năm 2016.
Doanh nghiệp nội “nằm ngoài” chuỗi giá trị
Nổi bật là 3 dự án nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 (công suất 1.200 MW) và Nam Định 1 công suất 1.109MW, với tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ USD. Một dự án tỷ USD khác được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2017 là dự án Đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn tại Kiên Giang liên doanh giữa nhà đầu tư Nhật Bản với PVN và PVGAS Việt Nam.
Sự dịch chuyển đầu tư FDI vào nhóm ngành tiện ích được đánh giá là một tín hiệu tốt để đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ điện nước, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh đang tăng trưởng nhanh chóng trong vài năm qua.
Tuy nhiên, bức tranh thu hút FDI tại Việt Nam vẫn còn những điểm cần hoàn thiện. Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tận dụng nguồn vốn FDI này và chưa thâm nhập được chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI.
Điển hình là ở ngành dệt may, ngành thu hút vốn ngoại 5 tỷ USD trong 5 năm gần đây. Đây cũng là ngành xuất khẩu đứng thứ hai tại Việt Nam, với kim ngạch lên đến 16,04 tỷ USD trong năm 2017, tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Dù chiếm đến 4% kim ngạch xuất khẩu dệt may thế giới, tuy nhiên trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ tham gia ở những khâu có giá trị thấp.
Hay nhìn vào ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm 2017 – sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử - đạt 45,27 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ, theo điều tra của trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chủ lực xuất khẩu điện tử vẫn là các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp nội địa chỉ đang lắp ráp, gia công.
Theo đó, ngành điện tử hiện đang nhập khẩu khoảng 77% giá trị sản phẩm, tỷ lệ cung ứng các linh kiện điện tử rất thấp. Vấn đề đặt ra là làm thế sao để nâng tầm cho các ngành công nghiệp phụ trợ, đóng góp nhiều hơn vào chuỗi giá trị trong mảng điện tử, công nghệ.
Trình độ và năng suất của người lao động tại Việt Nam cũng là một điểm cần phải cải thiện. Tuy nguồn nhân lực dồi dào tại Việt Nam trong hơn 30 năm sau đổi mới luôn là điểm thu hút đầu tư nước ngoài với gần 55 triệu người trong độ tuổi lao động – theo số liệu từ Tổng Cục thống kê tính đến tháng 9/2017, vẫn còn những hạn chế trong công tác định hướng và thực hành đào tạo nguồn nhân lực trong thời đại công nghệ số khiến năng suất lao động Việt Nam còn thấp và thiếu những kỹ năng cần thiết.
Cũng theo số liệu từ Tổng Cục thống kê, nếu tính theo sức mua tương đương, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 7% Singapore, 17,6% Malaysia, 36,5% so với Thái Lan, 42,3% Indonesia và 56,7% so với Philippines. Điều này là rào cản không nhỏ trong trong việc thu hút những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao khi không có nhân lực đáp ứng được những yêu cầu công việc mới này.
Sự hợp tác từ ba bên
Thu hút FDI vào những lĩnh vực phát triển bền vững cần phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Theo đó, điều này cần sự hợp tác và đổi mới từ cả ba bên Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động.
Với sự lan toả của ứng dụng kỹ thuật số, thị trường chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều công việc mới trong khi nhiều nghề nghiệp hiện tại sẽ mất đi.
Theo khảo sát Lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu lần thứ 20 của PwC, những kỹ năng sẽ tiếp tục cần đến trong tương lai gần là những kỹ năng không thể thực hiện bằng máy móc gồm phân tích, tư duy chiến lược, khả năng thích ứng, giải quyết vấn đề, lãnh đạo, sáng tạo và đổi mới.
Ngược lại những công việc mang tính chất rập khuôn sẽ dần biến mất với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và máy móc biết học hỏi (machine learning). Người lao động cần phải được định hướng, chủ động trau dồi và cập nhật những kiến thức kỹ năng cần thiết nhằm sẵn sàng cho xu thế mới này.
Chính phủ Việt Nam cần đi đầu trong việc xây dựng những quyết sách chiến lược và định hướng phát triển rõ ràng để thu hút vốn đầu tư ngoại vào những lĩnh vực trọng yếu, đem lại giá trị cao và có tính bền vững. Dự thảo chiến lược FDI giai đoạn 2018-2030 của Việt Nam sẽ tập trung vào những lĩnh vực mà trong nước có thế mạnh và những ngành công ty nước ngoài có thể mang lại giá trị cao, cụ thể là nhóm ngành sản xuất (linh kiện điện tử, công nghệ cao, máy và thiết bị công nghiệp) dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời Chính phủ cũng cần có những chính sách định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất và kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực chất lượng cao từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư, điều mà các doanh nghiệp FDI làm rất tốt.
Bên cạnh đó, hoạch định và thực hiện các chính sách quản lý mới để tránh thất thu thuế và giữ môi trường cạnh tranh công bằng cho cả doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI đang là một đòi hỏi bức thiết từ cộng đồng doanh nghiệp đối với Chính phủ điều hành.
Từ góc độ doanh nghiệp, các lãnh đạo phải bắt tay vào đổi mới bộ máy hoạt động, áp dụng công nghệ để cải thiện quy trình quản trị doanh nghiệp và đặc biệt là có chiến lược dài hơi để nâng cao tay nghề của người lao động, sẵn sàng đáp ứng các thay đổi từ làn sóng công nghiệp 4.0. Áp dụng công nghệ, doanh nghiệp có thể giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh, giữ vững và mở rộng thị trường cũng như bước lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nếu thực hiện được những điều này, thu hút FDI của Việt Nam có quyền kỳ vọng tiếp tục lập được những kỷ lục mới và có tính lâu dài đóng góp chung cho tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.