Nhà đầu tư ngoại sẽ “khoá” thị trường thịt?
Thị trường thịt trị giá 18 tỷ USD nhưng hiện doanh nghiệp có thị phần lớn nhất cũng mới giữ được 1% thị phần. Vì vậy, đây là cơ hội không thể bỏ qua để nhiều nhà đầu tư tham gia cuộc chơi.
Được biết, sản lượng tiêu thụ thịt heo hiện nay bình quân là 33,5 kg/người nhưng đến năm 2020, dự kiến sẽ là 39kg. Một lần nữa cho thấy thị trường thịt heo nói riêng và thị trường thịt nói chung vẫn còn tiềm năng rất lớn để khai thác.
Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong đó, có nhà đầu tư Hàn Quốc đã nhanh chóng “chớp” lấy cơ hội này.
Có lẽ ít ai biết rằng, tại Hàn Quốc đang có khái niệm mới về nông nghiệp cao cấp hay còn gọi là ngành công nghiệp mức thứ 6 (senary industry). Đây là kết hợp của giai đoạn 1 (nuôi, bắt và phát triển nguồn thực phẩm), thứ 2 (chế biến) và các ngành thứ 3 (bán hàng và dịch vụ khác) (1+2+3=6) giúp tạo ra giá trị gia tăng cao và tăng sự cạnh tranh so với phương cách sản xuất truyền thống.
Và hồi đầu tháng 10 vừa qua, Tập đoàn SK của Hàn Quốc đã hoàn tất thương vụ mua lại 109 triệu cổ phiếu của Masan Group (MSN) với tổng đầu tư 11.000 tỉ đồng (470 triệu USD). Đầu tư vào Masan là bước đi chiến lược và dài hạn của SK tại thị trường Đông Nam Á và khai thác tiềm năng tăng trường tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, được biết, một trong những mục đích lớn của cái “bắt tay” giữa SK và Masan đó là muốn củng cố vị trí tại thị trường Việt Nam.
Bởi trước đó, trong tháng 9 vừa qua, một số doanh nghiệp của Pháp cũng đã đến Việt Nam và đã hợp tác với hộ chăn nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long xây dựng một quy trình sản xuất khép kín 3F (chăn nuôi - feed, trang trại - farm, thực phẩm - food).
Theo đó, mỗi doanh nghiệp phụ trách một quy trình. Tập đoàn Grimaud sẽ chọn giống, Công ty Neovia Việt Nam sẽ sản xuất thức ăn chăn nuôi và Công ty Le Boucher sẽ phụ trách chế biến và phân phối sản phẩm. Dự án này có tên là Le Porc du Mékong và hiện đã có 600 nhà chăn nuôi trong nước tham gia vào dự án chăn nuôi của Le Porc du Mékong. Dự kiến, sản phẩm của Le Porc du Mékong sẽ có mặt tại các siêu thị Metro, VinMart, Big C, Auchan, Co.opXtra. Cũng phải nói thêm, chuỗi sản xuất thịt sạch Le Porc du Mékong sẽ không hướng tới phân khúc cao cấp mà bước đầu tập trung vào thị trường khách hàng bình dân.
Chia sẻ lý do về việc gia nhập thị trường Việt Nam, ông Christophe Guillaume, Giám đốc Điều hành của Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Neovia Việt Nam, nhìn nhận: “Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sản xuất heo lớn trên thế giới, mặc dù nhu cầu ngày càng tăng, nhưng năng suất chăn nuôi còn thấp, phải làm sao để vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhưng phải bảo đảm về an toàn y tế, nguồn gốc minh bạch”.
Trước đây, thị trường khổng lồ này chỉ có một vài doanh nghiệp cung cấp thịt sạch như Masan, C.P Việt Nam, Vissan… thì nay, thị trường này tiếp tục phân chia khi có sự tham gia của các nhà đầu tư Pháp. Điều này phần nào cho thấy, doanh nghiệp nào có tiềm lực về tài chính sẽ giữ vững được vị thế của mình.
Việc có nhiều nhà đầu tư cùng gia nhập thị trường khiến cho cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng “so găng” hơn. Tuy nhiên, mặt khác sự cạnh tranh sẽ tạo sức ép và đòi hỏi ngành chăn nuôi và doanh nghiệp trong nước cũng phải nhanh chóng hoàn thiện quy trình quản lý toàn bộ dây chuyền sản xuất thịt, từ nông trại đến bán ăn.