Doanh nghiệp ngành dệt may, da giày và áp lực tồn tại
Mặc dù hạn chế về nguồn vốn, tài chính tuy nhiên đứng trước áp lực cải cách để cạnh tranh sống còn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp ngành dệt may, da giày sẽ làm gì?
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động trực tiếp vào tất cả các ngành, đặc biệt là những ngành thâm hụt lao động như dệt may, da giày buộc doanh nghiệp phải thay đổi để cạnh tranh và tồn tại.
Trước tiên là doanh nghiệp dệt may, được biết, không phải tới thời điểm này, doanh nghiệp ngành này mới áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, tuy nhiên có thể nói đây là thời điểm doanh nghiệp cảm nhận rõ được áp lực cạnh tranh.
Cụ thể, theo chia sẻ của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM rằng, các đây từ 4-5 năm, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã từng bước áp dụng công nghệ mang tinh thần của công nghiệp 4.0. Bằng việc cải tiến thiết bị, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất dệt may, áp dụng phần mềm trong quản lý sản xuất…Tuy nhiên, ở thời điểm đó, do áp lực cạnh tranh chưa mạnh nên việc áp dụng công nghệ của mỗi doanh nghiệp còn thấp.
Từ năm 2017 đến nay, trước áp lực cạnh tranh rất lớn với doanh nghiệp từ các nước trong khu vực có cùng hoạt động xuất khẩu trong ngành dệt may tại các nước khác, đã buộc cách doanh nghiệp phải đầu tư, chuyển đổi công nghệ ở mức độ cao và nhanh hơn.
Bên cạnh đó, áp lực về nguồn lao động cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp dệt may phải đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm thâm hụt lao động trong ngành.
Tuy nhiên, có một thực tế là, mức độ đầu tư cho dây chuyền sản xuất, công nghệ của mỗi doanh nghiệp trong ngành dệt may là khác nhau. Bởi hoạt động đầu tư này chịu sự chi phối rất lớn từ khả năng tài chính và nguồn đầu tư của mỗi doanh nghiệp.
Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp may đã tự động hóa được ở một số công đoạn như cắt vải, bổ túi, đóng túi, quy trình sản xuất tinh gọn cũng được ứng dụng ở trình độ cao hơn. Một số doanh nghiệp dệt, nhuộm cũng đã áp dụng các công nghệ tiên tiến của châu Âu vào sản xuất như công nghệ laze, nano... vào sản xuất.
Nhìn một cách tổng thể, công nghệ của ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là ngành may đã cao hơn khá nhiều nước trong khu vực như Campuchia, Philippines, Indonesia, Banglades...Ví dụ như Công ty Việt Thắng Jean đã đầu tư công nghệ laser của Tây Ban Nha, Ý để wash vải, sử dụng công nghệ khí ozone, Nano Ý, Đức, Tây Ban Nha để nhuộm...
Theo đại diện công ty này, việc đầu tư, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất dệt, nhuộm không chỉ nâng cao chất lượng cho sản phẩm, tiết giảm tối đa sử dụng lao động, chi phí về mặt bằng, nhà xưởng, giảm từ 50-70%, mà còn bố trí quản lý một cách khoa học xử lý, đặc biệt giải quyết được điểm yếu của ngành dệt nhuộm về môi trường nhờ triệt tiêu hoàn toàn được khí thải, nước thải và chất thải rắn.
Bên cạnh đó, việc đầu tư công nghệ mới còn giúp doanh nghiệp rút ngắn phần lớn thời gian sản xuất, trước đây phải mất 45 ngày mới có thể ra được mẫu mới thì hiện nay chỉ mất khoảng 1 tuần, nhờ đó bắt kịp với xu hướng của thị trường, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm...
Trong lĩnh vực da giày, được biết, một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã đầu tư máy móc để chuyển sang tự động hóa một số khâu trong sản xuất. Ví dụ như, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Việt Á Châu đã đầu tư máy scan và in 3D để phục vụ làm khuôn. Hay Thái Bình Shoes đã đầu tư máy móc công nghệ mới phục vụ cho phát triển mẫu và sản xuất như máy may lập trình, máy thêu vi tính, máy cắt laser… để tự động hóa các công đoạn sản xuất.
Các công nghệ này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, rút ngắn thời gian giao hàng, giảm giá thành mà còn hạn chế rủi ro trong một vài công đoạn sản xuất cho nhân công.
Như vậy, yêu cầu đầu tư hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sang tự động hoá để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, cũng như phần lớn doanh nghiệp trong các ngành, doanh nghiệp ngành dệt may, da giày đang gặp phải khó khăn về khả năng tài chính, và quy mô doanh nghiệp còn rất nhỏ, chưa kể doanh nghiệp trong ngành đang gia công là chính, giá trị gia tăng thấp.
Thách thức là vậy, tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội da giày Việt Nam, các doanh nghiệp da giày cũng không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, các doanh nghiệp phải nỗ lực trong việc thay đổi tầm nhìn và chiến lược đầu tư mới tồn tại trong môi trường ngày càng cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp trong ngành da giày cũng nỗ lực đầu tư để bắt nhịp kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.