Vốn đầu tư Singapore sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam
Quan hệ song phương Việt Nam và Singapore phát triển mạnh mẽ đã gửi tín hiệu lạc quan đến các doanh nghiệp và tập đoàn Singapore đang đầu tư và tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore, 5 năm quan hệ đối tác chién lược. Với mối quan hệ lâu dài và toàn diện, hợp tác quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và đầu tư đã có, dòng vốn đầu tư từ Singapore hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Singapore có mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương đạt 8,3 tỷ USD năm 2017, tăng 15% so với năm 2016. Singapore đang là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trên toàn thế giới và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Singapore. Singapore hiện là nhà đầu tư lớn thứ 3 của Việt Nam với hơn 2.000 dự án, tống trị giá hơn 45 tỷ USD.
Trong 30 năm đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư Singapore đã có những đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Đầu tư Singapore trải dài trên các lĩnh vực từ khai thác dầu, sản xuất công nghiệp đến chế biến nông, lâm, thủy sản vầ nổi bật nhất là lĩnh vực bất động sản và hạ tầng. Dòng vốn đầu tư từ Singapore giúp tạo thêm việc làm, tăng cường sản xuất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) là biểu tượng cho mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và Singapore, biểu hiện sinh động cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và tăng cường quan hệ hợp tác song phương. VSIP là mô hình khu công nghiệp Singapore đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay, có tổng cộng 7 khu công nghiệp VSIP tại Việt Nam, thu hút 23 tỷ USD vốn đầu tư từ 760 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
VSIP đã thiết lập hệ thống dịch vụ "một cửa” cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy trong khu công nghiệp, cung cấp các dịch vụ liên quan đến lao động, giấy phép đầu tư, chuỗi cung ứng và logistics. Hệ thống dịch vụ "một cửa" tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư bắt tay ngay vào sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam, thay vì phải tự lo các thủ tục.
Ngoài ra, Singapore cũng là nhà đầu tư lớn nhất tại TP.HCM trên tổng số 93 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại đây, với tổng cộng 1.000 dự án, vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư Singapore đang tích cực hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như Mapletree, CapitaLand, Keppel Land và Ascendas. Các công ty này đã thu hút thêm nhiều nhà cung ứng như công ty thiết kế kiến trúc, công ty cung cấp bê tông để hỗ trợ các hoạt động xây dựng trên toàn Thành phố.
Trong tương lai, dòng vốn đầu tư từ Singapore sẽ tiếp tục đố vào Việt Nam. Cùng với các tập đoàn lớn, còn có những doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Singapore tham gia thị trường Việt Nam. Khi Chính phủ Singapore kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp này nhìn sang các nước xung quanh và nhận thấy Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Singapore đang hoạt động trong ngành dịch vụ như luật và kế toán. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa của Singapore cũng đem ẩm thực Singapore quảng bá tại Việt Nam bằng cách mở các nhà hàng nhượng quyền.
Dòng vốn đầu tư Singapore còn được kỳ vọng trong lĩnh vực công nghệ và thương mại điện tử. Grab có trụ sở tại Singapore đang tăng cường mở rộng tại thị trường Việt Nam, ngoài dịch vụ gọi xe. Grab gần đây đã giới thiệu thêm dịch vụ giao đồ ăn, logistics, thanh toán không tiền mặt và dịch vụ tài chính tại Việt Nam.
Trong khi đó, các công ty thương mại Singapore như Shopee và Lazada cũng đang tăng cường hoạt động tại Việt Nam để khai thác thị trường vô cùng tiềm năng này. Việt Nam hội đủ các yếu tố cho thương mại điện tử phát triển như dân số trẻ, mức độ thâm nhập Internet và sự phổ biến của smartphone. Đặc biệt, giới trẻ Việt Nam rất rành công nghệ, nên việc mua sắm trên mạng đã trở thành hoạt động thường ngày.
Việt Nam tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực. Việt Nam có nhiều lợi thế như dân số trẻ, thu nhập khả dụng liên tục tăng và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Việt Nam cũng tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương như Hiêp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Những nỗ lực này không chỉ cải thiện môi trường đầu tư, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm các doanh nghiệp từ Singapore.
Các nhà đầu tư Singapore không chỉ đóng góp vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam, mà còn hợp tác với đối tác địa phương, để hỗ trợ chuyển giao kiến thức và có thể là chuyển giao quyền sở hữu trong tương lai. Một số công ty Singapore thiết lập doanh nghiệp, điều hành thành công và bán lại các tài sản này.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Singapore cũng học từ các đối tác Việt Nam về văn hóa và kinh tế nội địa. Chúng tôi nhận thấy rằng, tinh thần kinh doanh ở Việt Nam rất đáng khen ngợi. Với tinh thần khởi nghiệp, Việt Nam có rất nhiều doanh nhân triển vọng.
Do đó, doanh nghiệp Singapore và Việt Nam nên hợp lực, học hỏi điểm mạnh và vượt qua điểm yếu của hai nền văn hóa và quốc gia để vươn lên tầm cao mới.
Có một điều rõ ràng là, cộng đồng doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh. Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại TP.HCM hiện có 300 thành viên. Thời gian tới, hiệp hội sẽ tiếp tục làm việc với các thành viên, các hiệp hội và đối tác doanh nghiệp khác để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Chúng tôi sẽ tập trung vào các hoạt động và diễn đàn kinh tế để mở thêm nhiều cánh cửa cho các đối tác tiềm năng trong tương lai trên nhiều lĩnh vực. Ngoài sự tăng trưởng, có một nguyên tắc khuyến khích Hiệp hội nỗ lực hơn nữa, đó chính là tạo nên một ngôi nhà cho các doanh nghiệp Singapore, kết nối nhiều hơn nữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam.