Tự chủ đại học: "Cởi trói" cơ chế thì mới có tự chủ thực chất

Nguyễn Việt thực hiện 15/11/2018 07:23

Tự chủ đại học vẫn còn là bài toán cần lời giải từ sự đồng bộ, tương thích trong hệ thống pháp luật. Phải được gỡ bỏ hay cởi trói cơ chế thì các cơ sở giáo dục đại học mới tự chủ một cách thực chất.

ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Đây là chia sẻ bên hành lang Quốc hội của ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với DĐDN trước phiên thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), ngày 15/11.

- Câu chuyện tự chủ đại học là một trong những trọng điểm của việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này. Ông có thể đánh giá tổng quát về quá trình thí điểm tự chủ đại học thời gian qua như thế nào?

Tự chủ đại học trong Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã xác định đó là một thuộc tính của các cơ sở giáo dục đại học, tức là quyền vốn có của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, lần đầu tiên chúng ta xây dựng Luật Giáo dục đại học, cho nên những cơ chế tạo điều kiện tự chủ tại Luật Giáo dục đại học năm 2012 chưa được quy định một cách cụ thể. Chính vì vậy, cơ chế tự chủ của các trường đại học thực hiện trong thời gian vừa qua còn cò những vướng mắc, bất cập. Chính điều này đã đưa đến việc Chính phủ ra Nghị định cho phép 23 trường thí điểm trong thời gian vừa qua, và Nghị định đó cũng đã hết hiệu lực từ năm 2017, hiện đang chờ đợi sửa đổi Luật Giáo dục đại học nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương cũng như những giải pháp để tự chủ đại học có thể có điều kiện triển khai trong thực tế. 

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Quốc hội

    Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Quốc hội

    16:40, 08/11/2018

  • Vì sao cần sửa đổi Luật Giáo dục?

    Vì sao cần sửa đổi Luật Giáo dục?

    16:08, 11/06/2018

Có thể nói, việc thí điểm tự chủ giáo dục đại học vừa qua đã mở đường cho các cơ sở giáo dục đại học có thể khai thác được tiềm năng, thế mạnh, vì ở đó có những trung tâm đào tạo, viện nghiên cứu khoa học chất lượng cao, đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao cùng với cơ sở vật chất hiện đại để tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ, đội ngũ lao động chất lượng cao, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

-Tuy nhiên, tự chủ đại học là yếu tố mấu chốt của việc sửa Luật Giáo dục đại học lần này, nhưng trên thực tế vẫn còn có những vướng mắc nhất định, thưa ông?

Bởi vì Luật Giáo dục đại học là luật chuyên ngành về giáo dục. Trong khi đó, tự chủ đại học được xác định trên 3 phương diện chủ yếu. Thứ nhất, tổ chức bộ máy. Thứ hai, chuyên môn. Thứ ba, tài chính và cơ sở vật chất. Có thể nói, cả 3 khía cạnh của tự chủ này đều vướng phải các luật chuyên ngành khác. Ví dụ, tài chính, tài sản thì có luật ngân sách và luật quản lý tài sản nhà nước. Về tổ chức bộ máy, con người thì có luật công chức, viên chức. Về chuyên môn nghiên cứu khoa học thì có Luật Khoa học Công nghệ, Luật Chuyển giao Khoa học Công nghệ…

Trong thực tế, các luật này chưa thực sự tạo cơ chế thông thoáng cho giáo dục đại học phát triển. Chính vì vậy, việc sửa Luật Giáo dục đại học lần này là để cố gắng tìm ra những cơ chế, giải pháp cụ thể quy định trong luật để có thể tạo điều kiện “mở đường” cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy quyền tự chủ của mình cao hơn nữa. Nhưng trong thực tiễn, việc tự chủ vẫn còn là bài toán cần lợi giải từ sự đồng bộ, tương thích trong hệ thống pháp luật, cần được gỡ bỏ hay cởi trói cơ chế thì mới có thể tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ một cách thực chất.

- Ông vừa nêu lên một bức tranh toàn diện về sự bất cập trong tự chủ đại học. Vậy Luật giáo dục đại học sửa đổi lần này đã giải quyết được những bất cập đấy hay chưa, thưa ông?

Như tôi đã trao đổi, đây là một luật chuyên ngành, các mặt hoạt động của cơ sở giáo dục đại học cần có sự tự chủ, thì lại được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành khác. Trong luật này, ban soạn thảo cũng đã cố gắng đưa ra một số chính sách như: ưu tiên đất đai, đầu tư tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học để có điều kiện tự chủ. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật thì lại không thực hiện được điều này trong Luật Giáo dục đại học mà cần phải sửa đổi các luật chuyên ngành khác. Đơn cử như luật đất đai, luật ngân sách, luật khoa học công nghệ…

- Vậy còn vấn đề giải trình thì sao, thưa ông?

Thực ra đây là 2 mặt của một vấn đề. Khi cơ sở giáo dục đại học được giao quyền tự chủ càng cao thì tự chịu trách nhiệm với xã hội càng phải lớn. Và tự chịu trách nhiệm với xã hội sẽ thông qua bằng trách nhiệm giải trình, tức là cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ thì phải có trách nhiệm giải trình với xã hội, người học, cơ quan quản lý cùng các bên có liên quan về thực hiện trách nhiệm của mình đến đâu, sử dụng quyền hạn như thế nào, đóng góp gì cho xã hội, các hoạt động của nhà trường đều phải được công khai, minh bạch…

Việc tạo ra thiết chế tự chủ thông qua việc giao cho hội đồng trường sẽ gắn liền với trách nhiệm giải trình. Đây là quan điểm khá nhất quán của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan chủ trì thẩm tra.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Việt thực hiện