Dừng khai thác mỏ Thạch Khê để tránh rủi ro
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết “Bộ KH-ĐT kiến nghị dừng mỏ sắt Thạch Khê” khi kết luận tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVII.
Theo ông Khánh, sau khi có ý kiến của Bộ TN-MT, Bộ Công thương, ngày 14/11/2018 Bộ KH-ĐT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thống nhất quan điểm như tỉnh Hà Tĩnh là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định dừng triển khai thực hiện dự án.
Muốn nói “không” với dự án
Trước đó, trong công văn gửi Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KHĐT) về nhiều đánh giá liên quan đến dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng đã đến lúc "cần phải có quan điểm và quyết định rõ ràng, dứt điểm về dự án", kể từ khi dự án được Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị tái khởi động sau gần 10 năm buộc phải tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở cân nhắc nhiều mặt, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh việc dừng dự án sẽ tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt vòng đời dự án.
Có thể bạn quan tâm
Tuy nhiên, TKV và Bộ Công thương cho rằng đề xuất dừng là chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Với khoản vốn đầu tư đã bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng, việc dừng dự án có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp, trong đó đa số là vốn Nhà nước. Giới chuyên gia đánh giá rất cao việc Bộ KH-ĐT và tỉnh Hà Tĩnh kiên quyết nói không với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, đồng thời đặc biệt lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra, trong đó chủ yếu là vấn đề môi trường, nếu dự án này tiếp tục.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, mỏ Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất của Việt Nam tuy nhiên nó rất khó khai thác vì ở độ sâu lớn (âm 550m so với mặt nước biển). Hơn nữa, dù mỏ này giàu sắt nhưng tỷ lệ kẽm trong quặng quá cao (0,07%), gấp 10 lần quặng thương phẩm vẫn bán trên thị trường, do đó khi tuyển quặng sẽ rất khó khăn.
Lý giải tại sao tỉnh Hà Tĩnh kiên quyết dừng dự án, theo ông Khiển, nguyên nhân chính xuất phát từ lo ngại về rủi ro môi trường. Hà Tĩnh muốn dừng dự án là vì chủ đầu tư không thuyết minh được việc giải quyết vấn đề môi trường khi dự án được tái khởi động. Còn nếu dự án tái khởi động, đương nhiên là tỉnh có lợi vì có thêm GDP từ việc thu thuế khai thác tài nguyên. Nhưng cái được thì ít mà cái mất lại lớn lao hơn nhiều, bởi việc khai thác sẽ phá vỡ toàn bộ cơ sở hạ tầng sẵn có của Hà Tĩnh, cuộc sống của người dân trong khu vực bị đảo lộn, đặc biệt môi trường sinh thái bị xâm hại, suy thoái nghiêm trọng.
Ông Khiển cho biết thêm, nhiều đối tác nước ngoài, trong đó có cả tập đoàn của Nhật Bản từng vào Hà Tĩnh khảo sát mỏ sắt Thạch Khê, phân tích và làm luận chứng kinh tế kỹ thuật kỹ càng nhưng sau phải rút lui vì thấy không hiệu quả và khó khả thi.
Một dự án không hiệu quả?
Còn ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Đúc và Luyện kim từng chia sẻ, ông đã từng cùng nhiều chuyên gia ngành thép Việt Nam ra nước ngoài làm việc với cac đối tác xung quanh việc khai thác mỏ Thạch Khê. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các giải pháp, các chuyên gia nước ngoài thừa nhận cả thế giới khó có thể tìm được mỏ thứ hai khó khai thác như mỏ sắt Thạch Khê.
Các tập đoàn nước ngoài cũng đưa ra giải pháp khai thác mỏ bằng cách phải dành 3 năm xây một bức tường khổng lồ bao quanh mỏ rồi từ đó hạ dần mực nước ngầm xuống. Nhưng với cách này làm tăng 30% giá thành khai thác quặng. Ngoài chi phí tốn kém, mỏ còn phải đối mặt với việc phải dừng hoạt động suốt 3 tháng mùa mưa nên không thể hiệu quả.
“Các chuyên gia nước ngoài cũng khuyên chỉ nên khai thác mỏ đến độ sâu 300m. Còn lại thì bỏ, chờ khi khoa học tiến bộ, giải quyết được vấn đề tỷ lệ kẽm trong quặng cao thì mới khai thác tiếp”, ông Cường nói và cảnh báo với công nghệ hiện nay, nếu cố tình khai thác thì về sau chủ đầu tư sẽ phải đối mặt tình trạng có quặng nhưng không thể bán được do tỷ lệ kẽm quá cao.
Vẫn theo ông Cường, dự án Thạch Khê khi đi vào hoạt động ở độ sâu sẽ có nguy cơ hút hết nước ở các khu vực xung quanh mỏ, gây ra tình trạng hạn hán cho nhiều địa phương và khi đó không chỉ Hà Tĩnh sẽ phải đối mặt với việc cứu đói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng từng đưa ra nhận xét, trước đây 20-30 năm, nhà khoa học đến từ Đức, Nga khảo sát, đánh giá khả năng khai thác Thạch Khê đều kết luận không thể khai thác vì ảnh hưởng đến môi trường biển; khả năng thương mại thấp, chi phí khai thác tốn kém. Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia Việt Nam khuyến cáo không nên làm.
“Bản thân quyết định đầu tư dự án đã là sai lầm vì trước đó nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên đầu tư mỏ sắt này. Quyết định đầu tư dự án duy ý chí, theo kiểu muốn khai thác cạn kiệt tài nguyên bằng mọi giá, không tính đến hiệu quả môi trường và hiệu quả kinh tế”, bà Lan nói.