Doanh nghiệp cần mức hỗ trợ lên tới 80%
Các doanh nghiệp cho rằng mức hỗ trợ 30% là thấp và doanh nghiệp phải huy động phải huy động tới 70% còn lại trên tổng số vốn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển là rất khó.
Trong báo cáo tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, bên cạnh việc ghi nhận những đóng góp của FDI đối với nền kinh tế, cũng đã thừa nhận những tồn tại. Một trong số đó phải kể đến việc chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam chưa như kỳ vọng.
Theo đó, ở bài trước Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã chia sẻ 2 trên 5 khuyến nghị nhằm nâng cao hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam và kinh nghiệm nhìn từ Thái Lan, của TS Nguyễn Hữu Xuyên, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp định giá, đánh giá công nghệ để phục vụ cho việc thu hút, nhập và chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Tổ chức đánh giá, định giá công nghệ là một trong các định chế trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ. Tổ chức này cần phải độc lập, khách quan trong quá trình định giá để đưa ra giá tham khảo cho các bên trong quá trình chuyển giao công nghệ. Kết quả đánh giá, định giá công nghệ có thể là chứng thư để các tổ chức tín dụng, ngân hàng chấp nhận kết quả định giá để cấp tín dụng, cho vay với tài sản đảm bảo là công nghệ.
Thực tế cho thấy, các kết quả định giá của các tổ chức có chức năng thẩm định và định giá chưa được các bên chấp nhận cao trong quá trình chuyển giao công nghệ. Do đó, các bên thường tự thoả thuận với nhau, tự đánh giá, định giá, nên chưa mang lại hiệu quả cao trong hoạt động chuyển giao công nghệ.
Để hỗ trợ cho hoạt động chuyển giao công nghệ thì việc nâng tầm các tổ chức định giá sáng chế là cần thiết để có thể hỗ trợ các bên tham gia trong quá trình tiếp nhận và chuyển giao công nghệ. Để hỗ trợ hoạt động định giá thì cần thiết phải hình thành và phát triển hệ thống chuyên gia, các tổ chức về đánh giá và giả định độc lập.
Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ tham gia vào hoạt động đánh giá, định giá. Tuy nhiên, giá trị pháp lý chưa cao, chưa thể là chứng thư để có thể giúp doanh nghiệp, các chủ sở hữu công nghệ vay vốn, góp vốn. Do đó, cần thiết phải nâng tầm và phát triển các tổ chức trung gian hỗ trợ chuyển giao công nghệ.
Thứ tư, kích thích nguồn cung cấp công nghệ trong nước thông qua các tổ chức nghiên cứu và phát triển, đồng thời thúc đẩy nguồn cầu công nghệ để đẩy nhanh tiến trình đổi mới công nghệ, phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ để hỗ trợ hoạt động kết nối giữa bên cung và bên cầu công nghệ, hỗ trợ phát triển sàn giao dịch công nghệ quốc gia, các sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương. Tiến tới, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ để đo lường giá trị giao dịch công nghệ và tốc độ đổi mới công nghệ hàng năm.
Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian công nghệ. Để đào tạo ngồn lực, nhà nước cần xây dựng đề án bồi dưỡng, đào tạo nguồn lực phục vụ cho hoạt động chuyển giao công nghệ. Đề án này cần được xây dựng dựa trên cơ sở rà soát các chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, phát triển nhân lực khoa học và công nghệ, phát triển nhân lực trong các doanh nghiệp ngành sản xuất.
Trong đề án sẽ xác định cụ thể đối tượng cần được đào tạo, hình thức, chương trình, nội dung thời gian đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho kỹ sư, kỹ thuật viên, các nhà quản lý trong doanh nghiệp. Hơn nữa, nguồn cung nhân lực chất lượng cao có thể được hình thành thông qua các nhóm nghiên cứu mạnh, hay các tổ chức mạng về khoa học và công nghệ.
Các nhóm, tổ chức này cần có sự phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, học viện, các chuyên gia để có được các ý tưởng sáng tạo, đây là tiền đề thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ.
Ngoài ra, cần khuyến khích sự di chuyển nhân lực chất lượng cao và có chính sách thí điểm du chuyển nguồn nhân lực giữa khu vực công nghiệp và khu vực nghiên cứu, thí điểm, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia cho hoạt động chuyển giao công nghệ.
Thứ năm, cần có các chính sách ưu đãi tài chính phù hợp cho hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là hoạt động chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trước tiên, nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ dưới dạng máy móc, thiết bị, dây chuyển công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ, sau đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tự thực hiện nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các công nghệ mới phục vụ cho đổi mới công nghệ.
Để đổi mới cong nghệ cần vốn đầu tư tư nhân ban đầu lớn, yêu cầu nhân lực có trình độ cao nên các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp nhiều khó khăn.
Vì thế, để có thể tiến hành đổi mới công nghệ, nhà nước cần có những ưu đãi ở giai đoạn đầu như hỗ trợ về tín dụng, thuế, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin thị trường.... nhằm tạo tiền đề và kích thích doanh nghiệp tiếp nhận và đổi mới công nghệ.
Cần xem xét tăng mức hỗ trợ vay không lãi cho giai đoạn nghiên cứu và phát triển từ mức 30% như hiện nay lên mức 80% cho tất cả các lĩnh vực đối với công nghệ, chứ không nhất thiết phải nằm trong danh mục các dự án đổi mới công nghệ được ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ.
Các doanh nghiệp cho rằng mức hỗ trợ 30% là thấp và doanh nghiệp phải huy động phải huy động tới 70% còn lại/tổng số vốn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển là rất khó.
Vì thế, mức tín dụng ưu đãi với lãi suất 0% của 30%/ tổng số vốn đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa đủ mạnh để kích thích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Hơn nữa, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để đưa Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đi vào hoạt động một cách có hiệu quả. Quỹ này phải hoạt động như một tổ chức tài chính, không gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi cho việc nhận, chuyển giao và đổi mới công nghệ.