Tận dụng cơ hội từ JEFTA

Thuỵ Vân 28/12/2018 12:00

Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)- Nhật Bản (JEFTA) có hiệu lực vào ngày 01/02/2019 sẽ mở đường cho việc thành lập một khu mậu dịch tự do chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

JEFTA được coi là một mẫu mực về thoả thuận mậu dịch tự do cho thế giới hiện đại, tức là không chỉ bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác mà còn có những tiêu chuẩn khuôn mẫu cho những khía cạnh rất nhạy cảm và khó khăn trong đàm phán như về môi trường sinh thái, tiêu chuẩn lao động, bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường, dàn xếp những tranh chấp nảy sinh...

p/Hiệp định thương mại tự do EU- Nhật Bản (JEFTA) chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu.p/(Ảnh: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái), thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker chụp ảnh tại Hội đồng châu Âu,Brussels)

Hiệp định thương mại tự do EU- Nhật Bản (JEFTA) chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu. (Ảnh: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái), thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker chụp ảnh tại Hội đồng châu Âu,Brussels)

Nhất cử, lưỡng tiện

EU và Nhật Bản đã khởi xướng quá trình đàm phán thành lập khu vực mậu dịch tự do song phương cách đây nhiều năm. Vào thời điểm đó, EU và Nhật Bản đều không nghĩ rằng thoả thuận này có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên. Bởi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama chủ trương thúc đẩy đàm phán với EU về Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP); đồng thời cũng tiến hành đàm phán và ký kết với Nhật Bản và 11 đối tác khác Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump ngừng ngay đàm phán với EU về TTIP và rút nước Mỹ ra khỏi TPP. Không dừng lại ở đó, ông Trump còn phát động xung đột thương mại với các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có cả EU và Nhật Bản. Xung đột thương mại với Mỹ sẽ còn kéo dài và ông Trump thường hay thay đổi quan điểm, nên thoả thuận thương mại tự do song phương có được càng sớm càng lợi cho EU và Nhật Bản.

Khi ký kết JEFTA, EU và Nhật Bản hướng tới 2 mục đích: Thứ nhất, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm khắc phục những thiệt hại do xung đột thương mại với Mỹ gây ra.

 Cách thức EU và Nhật Bản thúc đẩy JEFTA còn cho thấy các đối tác khác nên nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục pháp lý cần thiết để các FTA mà họ đã ký kết với EU và Nhật Bản sớm có hiệu lực chính thức.

Thứ hai, JEFTA góp phần giúp EU và Nhật Bản tạo đối trọng trong quan hệ với Mỹ và các đối tác khác. Cả EU lẫn Nhật Bản tới đây đều sẽ tiến hành đàm phán với Mỹ về thoả thuận hợp tác thương mại. JEFTA sẽ là chỗ dựa cho họ, giúp họ dễ bề tiến thoái, đối phó với áp lực từ phía Mỹ và gia tăng áp lực đối với Mỹ.

Không chỉ vậy, JEFTA còn giúp EU và Nhật Bản tăng cường uy tín, vai trò và ảnh hưởng quốc tế khi chứng tỏ là những đối tác đi tiên phong và kiên định thúc đẩy tự do hoá thương mại, hợp tác đa phương, hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá, dễ dàng tập hợp lực lượng trên thế giới đối phó với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ.

Cơ hội cho các đối tác của EU và Nhật

Nội dung cụ thể khác nhau và phạm vi áp dụng cũng khác nhau, nhưng JEFTA có cùng định hướng và bản chất như những thoả thuận thương mại tự do song phương và đa phương khác mà EU và Nhật Bản đã đàm phán và ký kết với các đối tác khác trong thời gian qua. Trong đó, đáng kể nhất là Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Xung đột thương mại với Mỹ buộc EU và Nhật Bản càng phải coi trọng hơn trước những đối tác khác trên thế giới, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh hiện nay, các đối tác của EU và Nhật Bản có được điều kiện và cơ hội thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa và thể chế hoá sâu rộng hơn nữa các khuôn khổ quan hệ hợp tác với EU và Nhật Bản, tận lợi tối đa từ các cấp độ quan hệ hợp tác mới này với EU và Nhật Bản cho hiện tại cũng như cho sau này tiến hành đàm phán với Mỹ về hợp tác thương mại.

Viện dẫn thoả thuận hợp tác thương mại với EU và Nhật Bản cũng như dựa trên JEFTA, các đối tác như Việt Nam, Singapore… có thể dễ dàng hơn trong việc xử lý các vấn đề trong đàm phán với Mỹ. Mặt khác, cách thức EU và Nhật Bản thúc đẩy JEFTA còn cho thấy các đối tác khác nên nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục pháp lý cần thiết để những thoả thuận về thương mại tự do mà họ đã ký kết với EU và Nhật Bản có hiệu lực chính thức càng sớm càng tốt.

Thuỵ Vân