FDI và sự trọng thị nhà đầu tư

Quốc Anh 31/12/2018 11:00

Ở nhiều địa phương vẫn còn sự thờ ơ, lời nói chưa đi đôi với việc làm, có tình trạng trao giấy phép đầu tư hoành tráng nhưng chậm trễ triển khai khiến nhà đầu tư FDI nản lòng.

Thu hút đầu tư FDI tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm 2018

Thu hút đầu tư FDI tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm 2018

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài gần 35,5 tỷ USD, xấp xỉ 99% so với cùng kỳ 2017.

Năm nay cũng đánh dấu là là năm thứ 3 liên tiếp FDI đạt kỷ lục về giải ngân vốn, khi đạt 19,1 tỷ USD, tăng gần 2 tỷ USD so với 2017. Có tổng cộng 18 lĩnh vực được nhà đầu ưu tiên rót vốn, đây đều là những lĩnh vực mà nền kinh tế Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển như: Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều nhất với 16,5 tỷ USD, chiếm gần 47% tổng vốn đăng ký. Kế đến là bất động sản với 6,6 tỷ USD; bán buôn, bán lẻ 3,6 tỷ USD...

Tuy nhiên nhìn vào lĩnh vực GTVT trong nhiều năm qua, ngoài thương vụ Tcty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco Central) mua lại 20% cổ phần tại Dự án BOT tuyến tránh Phủ Lý, hiện vẫn chưa có bất cứ dự án BOT giao thông đường bộ có sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Mặc dù, Bộ GTVT đã tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án giao thông từ rất sớm.

Ở tầm vĩ mô, ở rất nhiều diễn đàn, các nhà lãnh đạo của Việt Nam luôn khẳng định tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn còn sự thờ ơ, lời nói chưa đi đôi với việc làm, có tình trạng trao giấy phép đầu tư hoành tráng nhưng chậm trễ triển khai khiến nhà đầu tư FDI nản lòng.

Gần đây, trong Diễn đàn VBF cuối kỳ 2018, một số nhà đầu tư than phiền rằng họ nhận được những câu hỏi rất khó trả lời từ phía các nhà chức trách như: “Việc có nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam liệu có thật sự là tốt cho nền kinh tế hay không?” Lẽ ra câu hỏi nên là: “Việt Nam phải làm thế gì để hài lòng hơn nữa nhà đầu tư? Phải làm gì để có nhiều nhà đầu tư hơn nữa”?

Dù rằng, bên cạnh tính hiệu quả vẫn còn những điểm mà FDI chưa thực sự làm tốt đối với nền kinh tế như: vẫn còn nhiều công nghệ của doanh nghiệp FDI là công nghệ trung bình, nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá…

Tại Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, doanh nghiệp FDI mang vốn, công nghệ vào Việt Nam là điều rất quý và đặt câu hỏi liệu nước ta có tranh thủ được nguồn lực này để nâng cao quốc lực. Hợp tác FDI là sự chủ động, bình đẳng, có tính lựa chọn của Việt Nam.

Tuy nhiên, bất kỳ đâu trên thế giới, sự trân thành, sự trọng thị luôn là điều cần thiết. Với Việt Nam, chắc chắn sự trọng thị nhà đầu tư nước ngoài, lắng nghe ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn môi trường đầu tư vẫn không thể bỏ qua. 

Quốc Anh