Chìa khoá nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics

Ngọc Hà 01/01/2019 06:20

Hoàn thiện cơ chế chính sách và tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng là những hoạt động chính của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics nhằm giảm giá thành dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.

ông

Ông Nguyễn Tương, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam. 

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tương, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến triển vọng của ngành trong năm 2019 nhân dịp đầu năm mới.

Cũng theo ông Nguyễn Tương, doanh nghiệp ngành logistics phấn khởi bước vào năm 2019 với quyết tâm sẽ làm tốt hơn năm 2018 nhờ tăng trưởng kinh tế và giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đều đạt mức kỷ lục mới.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Tương chỉ ra, năm 2018, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, và đạt đỉnh, 7,08%. Bên cạnh đó, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 cũng ghi nhận mức kỷ lục mới, với 482,2 tỷ USD, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. Đây chính là nền tảng cơ sở để doanh nghiệp logistics bước vào năm 2019 với tâm thế phấn chấn.

Theo đó, doanh nghiệp ngành logistics quyết tâm thực hiện Quyết định 200 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động, nâng cao năng lực cạnh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2020.

Không quên “nút thắt” lớn nhất trong ngành đó là chi phí, ông Nguyễn Tương cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics sẽ tập trung vào việc cắt giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nói riêng, của hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế nói chung.

Ngành logistics

Ngành logistics năm 2019 được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng hơn cao hơn năm 2018 nhờ ứng dụng công nghệ mơi vào hoạt động của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, năm 2019, ngoài việc hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư kết cấu hạ tầng thì ngành logistics tập trung vào hai nhiệm vụ chính.

Một là, tập trung nâng cao hiệu suất của ngành trong chuỗi quản lý cung ứng, bằng cách phối hợp giữa các nhà sử dụng dịch vụ, nhà sản xuất, nhà xuất, nhập khẩu, nhà phân phối... hướng tới việc giảm chi phí logistics.

Hai là, nâng cao năng lực bản thân doanh nghiệp thông qua việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cao, và đào tạo nguồn nhân lực.

Được biết, năm 2018, Hiệp hội đã nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ blockchain vào sử dụng lệnh giao hàng diện tử thay cho lệnh giao hàng giấy. Theo đó, “Năm 2019, Hiệp hội chắc chắn sẽ triển khai việc ứng dụng lệnh giao hàng điện tử cho các lô hàng lẻ”, ông Nguyễn Tương khẳng định.

Được biết, hiện nay, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Hàng tàu Maersk Line đã ứng dụng giấy giao nhận hàng điện tử cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá. Dự kiến mô hình này sẽ được triển khai và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của ông Nguyễn Tương, bên cạnh việc ứng dụng E-D/O, Hiệp hội đã tham gia với Liên Đoàn Giao nhận Vận tải Quốc tế làm thí điểm E- D/L để giảm thời gian giao dịch, giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.

Việc ứng dụng, đầu tư công nghệ mới trong hoạt động kinh doanh của ngành có ý nghĩa quan trọng nhằm giảm bớt không chỉ chi phí mà còn đáp ứng nhu cầu về logistics phục vụ thương mại điện tử, đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua và trong thời gian tới.

Theo nhận định từ một nhà cung cấp dịch vụ giấu tên, đã tính toán và cho biết, riêng với thương mại điện tử, chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm khoảng 30% doanh thu. Đây là một tỷ lệ rất cao so với các ngành nghề thương mại truyền thống.

Ngọc Hà