“Sức khỏe” của lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục cải thiện mạnh mẽ

Linh Nga 02/01/2019 14:00

Báo cáo mới nhất của Nikkei cho biết, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam trong tháng 12/2018 đạt đạt 53,8 điểm, dẫn đầu các nước khu vực Đông Nam Á.

Theo công ty thu thập kết quả IHS Markit, 2018 là năm lĩnh vực sản xuất đạt kết quả tốt nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát chỉ số PMI vào năm 2011.

Theo công ty thu thập kết quả IHS Markit, 2018 là năm lĩnh vực sản xuất đạt kết quả tốt nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát chỉ số PMI vào năm 2011.

Mặc dù có giảm so với mức gần đạt kỷ lục là 56,5 điểm của tháng 11, chỉ số tháng 12 tương đương mức trung bình của cả năm. Theo công ty thu thập kết quả IHS Markit, 2018 là năm lĩnh vực sản xuất đạt kết quả tốt nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát chỉ số PMI vào năm 2011.

Số điểm 53,8 của cả năm cũng đưa Việt Nam tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng khu vực ASEAN.

Tháng 12 đã khép lại trọn vẹn một năm tích cực của các nhà sản xuất Việt Nam khi kết quả chỉ số PMI trung bình tính năm theo lịch là cao nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào năm 2011. 

Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đáng kể, từ đó kéo dài thời kỳ tăng hiện nay thành 37 tháng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng mạnh vào cuối năm.

Số lượng đơn đặt hàng mới gần đây tăng mạnh đã tạo áp lực công suất cho các nhà sản xuất khi lượng công việc tồn đọng tăng tháng thứ hai liên tiếp. Các công ty đã đáp ứng khối lượng công việc tăng bằng cách tuyển thêm nhân viên tháng thứ ba liên tiếp. 

Mức tăng chi phí đầu vào chậm lại đã được ghi nhận trong hầu hết thời gian nửa cuối năm đã làm giá cả đầu vào giảm trong tháng 12. Đây là lần giảm đầu tiên của giá cả đầu vào kể từ tháng 2/2016. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết giá cả một số mặt hàng như dầu lửa và giấy đã giảm. Nhờ đó, các nhà sản xuất đã giảm giá cả đầu ra tương ứng. 


Các nhà sản xuất nói chung dự kiến sản lượng tiếp tục tăng trong năm tới khi mức độ tin tưởng có được là nhờ dự báo số lượng đơn đặt hàng mới tăng và nhờ các kế hoạch mở rộng kinh doanh. Mức độ lạc quan gần như tương đương mức trung bình của lịch sử chỉ số sau khi đã giảm từ mức gần kỷ lục được ghi nhận trong tháng trước.

Những kỳ vọng tích cực đã khuyến khích các công ty tiếp tục gia tăng hoạt động mua hàng trong tháng 12 với mức độ đáng kể. Những nỗ lực gia tăng dự trữ hàng tồn kho cũng được nhắc đến. Cả tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm đều tăng vào cuối năm, mặc dù mức tăng là thấp hơn so với tháng 11.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: "Thành công mới đây của các công ty sản xuất Việt Nam trong việc có thể đạt được mức tăng mạnh số lượng đơn đặt hàng mới đã tiếp nối trong tháng 12. Điều này có nghĩa năm 2018 là năm theo lịch tốt nhất của lĩnh vực sản xuất kể từ khi cuộc khảo sát chỉ số PMI bắt đầu vào năm 2011, và từ đó tạo đà cho một năm 2019 tích cực, mặc dù đâu đó trong nền kinh tế toàn cầu vẫn có khó khăn".

Trong bảng xếp hạng này, Philippines đứng vị trí thứ hai với 53,2 điểm. Myanmar và Indonesia đứng tương ứng ở vị trí thứ ba và thứ tư trong bảng xếp hạng.

Đứng cuối bảng là Malaysia và Singapore khi sức khỏe của lĩnh vực sản xuất bị suy giảm mạnh. Cả hai quốc gia đều có sản lượng giảm tháng thứ ba liên tiếp, thể hiện một quý cuối cùng yếu kém đối với các doanh nghiệp.

Chỉ số PMI Việt Nam được xây dựng dựa trên dữ liệu khảo sát của các nhà quản trị mua hàng ở hơn 400 doanh nghiệp công nghiệp. Nhóm thành viên tham gia khảo sát được phân loại theo GDP và số lượng nhân công của công ty. Lĩnh vực sản xuất được chia thành 8 ngành chính: Kim loại cơ bản, hóa chất và nhựa, điện tử và quang học, thực phẩm và đồ uống, cơ khí chế tạo, dệt may, gỗ và giấy, vận tải.

Trong khi đó, chỉ số PMI ASEAN được IHS Markit tổng hợp dựa trên dữ liệu khảo sát từ 2.100 công ty sản xuất tại 7 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippine, Thái lan và Việt Nam. Tổng hợp lại, những quốc gia này chiếm tới khoảng 98% hoạt động sản xuất của ASEAN.

Linh Nga