Nhân sự ngành du lịch Việt dưới góc nhìn chuyên gia Singapore
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA) tại Singapore cùng các chuyên gia cấp cao khác đã chỉ ra rằng, đầu tư vào nhân lực chất lượng cao sẽ giúp du lịch Việt khởi sắc hơn nữa.
Tham gia Diễn đàn Du lịch và Khách sạn diễn ra mới đây ở cơ sở Hà Nội của Đại học RMIT, ông Wong Soon Hwa - Chủ tịch PATA Singapore - cho biết ông khá ấn tượng với tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam. Ông dẫn chứng lượng khách quốc tế ghé thăm Việt Nam đã tăng với tốc độ đáng thèm muốn - 30% mỗi năm, từ 10 triệu người năm 2016 lên 13 triệu người năm 2017. Song theo ông, nguồn nhân lực ngành này vẫn chưa sẵn sàng để khai thác tối đa tiềm năng du lịch nước nhà.
Với 30 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch và khách sạn toàn cầu, ông Wong đưa ra những nhận định thú vị về du lịch Việt so với các nước trong khu vực ASEAN. Việt Nam hiện đang đứng thứ 67 trên 136 quốc gia trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu. So với các quốc gia khác trong khu vực, vị thế này thua xa Singapore (xếp thứ 13), Malaysia (26) và Thái Lan (34).
Các chuyên gia chia sẻ góc nhìn nhằm phát triển nguồn nhân lục cho ngành du lịch Việt.
Ông Wong chia sẻ rằng ông đã quay lại Thái Lan hơn 100 lần, song chỉ ghé Việt Nam vài dịp. Khảo sát của PATA cũng cho thấy, chỉ 10-40% khách du lịch sẽ quay lại Việt Nam, trong khi tỉ lệ này ở Thái Lan lên đến 80%. Trong mắt du khách quốc tế, Thái Lan là điểm đến hấp dẫn hơn do người dân địa phương nói tiếng Anh trôi chảy và thường xuyên nở nụ cười thân thiện hơn ở Việt Nam.
Năm 2017, ngành du lịch Việt đã thu về 23 tỉ USD, đóng góp 7,5% vào GDP. Đây là mức tăng doanh thu ấn tượng, nhưng nếu chia cho 1,3 triệu lao động ngành du lịch sẽ cho ra mức năng suất khá thấp, với chỉ 3.477 USD/năm cho mỗi nhân lực trong ngành này. Trong khi ở Thái Lan, mỗi lao động tạo ra 8.369 USD/năm, gấp 2,5 lần; còn Singapore tạo ra 47.713 USD/năm, gấp 15 lần.
Đồng quan điểm với ông Wong, bà Vanya Trần – Tổng Giám đốc Vietnam Hotel and Resort Investment cho biết, nhân sự ngành du lịch Việt không chỉ yếu ngoại ngữ, mà còn thiếu nhiều kỹ năng.
Trong số 1,3 triệu lao động ngành du lịch hiện nay, chỉ có 42% được đào tạo đúng chuyên ngành, 38% từ các ngành khác chuyển sang, còn 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Nhân lực du lịch Việt đang ở trong tình trạng "cao thiếu, yếu thừa". Theo bà Vanya Trần, ngay cả khi tốt nghiệp cử nhân du lịch hoặc “lăn lộn” trong nghề nhiều năm, lao động trong ngành này vẫn thiếu các kỹ năng mềm như giao tiếp, dẫn tour, quản lý khách đoàn, điều hành khách sạn, quảng bá resort, v.v.
Các chuyên gia tham gia diễn đàn đã đề xuất nhiều giải pháp giúp nâng cao năng lực cho nhân sự ngành du lịch tại Việt Nam. Trong đó, ông Wong đề cập đến việc cải thiện vốn tiếng Anh - ngôn ngữ 50% dân số thế giới đang sử dụng - như một trong những yêu cầu cấp thiết nhất. Bên cạnh đó, kỹ năng công nghệ “hi-tech” và kỹ năng giao tiếp thân thiện “hi-touch” trong thời đại du lịch 4.0 cũng cần phải nâng cao.
Tiễn sĩ Jackie Ong - Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam.
Về định hướng lâu dài, tiến sĩ Jackie Ong - Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng, cần đầu tư đào tạo thế hệ lãnh đạo mới có khả năng thích ứng với ngành du lịch đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Đây phải là những nhân sự cấp quản lý có khả năng lãnh đạo, bản lĩnh kinh doanh và am hiểu văn hóa toàn cầu.
Tiến sĩ Jackie Ong cũng bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng rằng chương trình Cử nhân Quản trị du lịch và khách sạn mà RMIT Việt Nam đang giảng dạy sẽ góp phần giúp du lịch Việt khởi sắc hơn nữa trong tương lai. Kết cấu chương trình không chỉ bao hàm những kiến thức mới nhất trên thế giới, mà còn chú trọng đặc biệt vào bồi đắp nghiệp vụ thực tiễn, cũng như xây dựng kỹ năng cho sinh viên qua nhiều hoạt động đội nhóm phong phú và chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.