“Siết” hoạt động kê khai giá trị máy móc, chuyển giá của doanh nghiệp FDI

Linh Nga 03/01/2019 11:00

Bộ KH&ĐT vừa có phản hồi nhận định của chuyên gia tư vấn Eurocham, ý kiến Bộ Tài chính liên quan đến định giá, giám định công nghệ, thiết bị của dự án đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc hoàn thiện quy định của pháp luật để yêu cầu thẩm định giá trị máy móc, thiết bị, công nghệ nhập khẩu trước khi phê duyệt dự án cần được cân nhắc về tính khả thi bởi tại thời điểm đề xuất dự án đầu tư, nhà đầu tư mới chỉ dự tính các chi phí đầu tư mà chưa tổ chức mua sắm, lắp đặt máy móc, thiết bị, công nghệ.

Trong quá trình thực hiện dự án, chi phí có thể khác với dự tính ban đầu do biến động của thị trường hoặc do phải thay đổi chủng loại, công suất, nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu hoạt động.

Việc thẩm định giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng không phù hợp với chủ trương chuyển phương thức quản lý từ tiền sang hậu kiểm và quản lý rủi ro theo quy định của Luật Quản lý thuế, làm phát sinh thời gian thực hiện thủ tục hành chính, gây phiền hà cho nhà đầu tư, tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Thực tế cho thấy, các cơ quan quản lý khó có đủ điều kiện và nguồn lực để thẩm định giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của tất cả các dự án có vốn đầu tư nước ngoài...

Tại văn bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu ý kiến và đề xuất. Cụ thể, Bộ này cho biết, khoản 2, điều 44 Luật đầu tư quy định “Trong trường hợp cần thiết để đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ hoặc để xác định căn cứ tính thuế, cơ quan quản lý thuế nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thực hiện giám định độc lập chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ”.

Luật Quản lý thuế quy định cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm giám định để xác định số thuế phải nộp của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bộ Tài chính đã liên tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật thuế để quản lý các doanh nghiệp liên kết, đảm bảo vừa phù hợp với chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài vừa quản lý chặt chẽ các nguồn thu, chống chuyển lợi nhuận, chống xói mòn nguồn thu và ngăn ngừa, hạn chế các hành vi chuyển giá, tránh thuế.

Nghị định 20 của Chính phủ cũng có quy định nhằm xác định rõ những trường hợp doanh nghiệp có giao dịch liên kết cố tình khai tăng giá trị đầu vào trong đó có máy móc, thiết bị...

Bộ Khoa học và Công nghệ có thông tư 23 quy định việc nhập máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các quy định nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý để hải quan, thuế tổ chức giám định chất lượng, giá trị máy móc, chống hành vi khai khống, khai sai... Tuy nhiên, Bộ này nhận thấy vẫn cần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về đầu tư và thuế.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa đổi quy định tại Luật Quản lý thuế để làm rõ hành vi khai khống, khai sai giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũng như nguyên liệu đầu vào dẫn tới tăng giá thành sản phẩm, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Đồng thời, giao Bộ Tài chính tổ chức thẩm định giá trị, máy móc, thiết bị, công nghệ của dự án đầu tư; chỉ đạo các cơ quan quản lý thuế tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về thuế.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật về thuế, trình Thủ tướng ban hành Quyết định về tiêu chí, hồ sơ, trình tự, thủ tục nhập khẩu và hoạt động giám định đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Linh Nga