Vì sao Việt Nam nhập siêu 1 tỷ USD chỉ trong 15 ngày đầu 2019?
Trái với kỷ lục xuất siêu gần 6,8 tỷ USD trong năm 2018, trong vòng chỉ 15 ngày đầu năm mới 2019, cả nước nhập siêu gần 1 tỷ USD.
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan, 2 tuần đầu tháng 1/2019, tổng trị giá xuất khẩu cả nước đạt 9,2 tỷ USD, giảm nhẹ 71 triệu USD so với cùng kỳ 2018. Trong khi đó, nhập khẩu đạt gần 10,2 tỷ USD, tăng mạnh 646 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD vẫn là dệt may; điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Điểm đáng lưu ý, nhóm hàng điện thoại có mức giảm kim ngạch xuất khẩu, chỉ đạt gần 1,3 tỷ USD, thấp hơn 800 triệu USD so với cùng kỳ. Đây cũng là lý do chính khiến trị giá xuất khẩu cả nước bị sụt giảm. Ngoài ra, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng bị sụt giảm nhẹ gần 50 triệu USD.
Trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ nhóm dệt may đạt được sự tăng trưởng, gần 1,25 tỷ USD, tương đương tăng khoảng 150 triệu USD so với cùng kỳ.
Theo lý giải của các chuyên gia trong ngành, 15 ngày vừa qua là giai đoạn cận tết Nguyên đán Kỷ Hợi nên việc giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu là điều có thể hiểu được bởi thời điểm này hoạt động sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi lịch nghỉ tết, trong khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ Tết tăng lên.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,2 tỷ USD trong 2019
05:32, 16/01/2019
Hoa Sen Group tiếp tục xuất khẩu 17.000 tấn tôn đi Mỹ
00:01, 11/01/2019
Tăng cường xuất khẩu chính ngạch cam sang Trung Quốc
15:00, 10/01/2019
Đón cơ hội xuất khẩu sang Australia
12:44, 10/01/2019
Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 480,17 tỷ USD, tăng 12,2% (tương ứng tăng 52,05 tỷ USD) so với năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2% và nhập khẩu đạt 236,69 tỷ USD, tăng 11,1%. Cả nước xuất siêu gần 6,8 tỷ USD.
Kết quả này sẽ tạo đà cho mức tăng trưởng khả quan 8-10% trong năm 2019. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương xuất khẩu năm 2019 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức.
Cụ thể, nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp tăng thuế xuất khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu của các nước.
Ngoài ra, các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như Ủy ban châu Âu (EC) siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc...
Báo cáo đưa ra tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương mới đây, cơ quan này cũng dự báo, Việt Nam có thể sẽ nhập siêu khoảng 3 tỷ USD năm nay (dưới 2% so với kim ngạch xuất khẩu). Tuy nhiên, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không đồng tình với dự báo cơ quan quản lý thương mại đưa ra.
"Năm 2018 Việt Nam đã xuất siêu nên mức nhập siêu 3 tỷ USD mà Bộ Công Thương dự báo là không thể chấp nhận" - Thủ tướng Chính phủ nói và yêu cầu Bộ này cần có ngay giải pháp cấp bách tìm, phát triển thị trường để tăng xuất khẩu hàng Việt ra thế giới.