Lần đầu tiên Việt Nam lọt Top 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới
Việt Nam, Ấn Độ, Mexico và Arab Saudi là những cái tên lần đầu xuất hiện trong nhóm 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới theo đánh giá của Bloomberg.
Những bước tiến trong nghiên cứu và giáo dục đã đưa Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đạt mức điểm số gần như ngang bằng với Hàn Quốc trong xếp hạng thường niên Bloomberg Innovation Index 2019.
Mỹ nhảy từ vị trí thứ 11 của xếp hạng năm ngoái lên vị trí thứ 8 của xếp hạng năm nay. Năm ngoái là năm đầu tiên nền kinh tế lớn nhất thế giới trượt khỏi top 10 của danh sách, do sự đi xuống về điểm số giáo dục.
Nhờ sức mạnh giá trị gia tăng đến từ ngành sản xuất và mức độ đầu tư cao cho R&D, với những hãng công nghiệp khổng lồ như Volkswagen, Robert Bosch và Daimler, nước Đức đã đạt điểm số gần bằng Hàn Quốc.
Đây là lần thứ 6 đứng ở vị trí đầu bảng song Hàn Quốc không còn giữ được khoảng cách lớn với Đức, một phần bởi đạt điểm số kém hơn ở tiêu chí về bằng sáng chế.
Nhiều nền kinh tế mới nổi đã xuất hiện lần đầu trong xếp hạng sáng tạo của Bloomberg, gồm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ấn Độ, Mexico, Saudi Arabia và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam đứng ở vị trí 60.
Tổng điểm của Việt Nam trong đánh giá này đạt 45,92 điểm, so với mức 87,38 điểm của nước đầu bảng Hàn Quốc. Trong đó, Việt Nam đạt điểm số thấp nhất (34 điểm) ở tiêu chí mật độ các công ty công nghệ cao và điểm cao nhất (59 điểm) ở tiêu chí năng suất.
Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam còn có 3 nước khác có mặt trong xếp hạng, gồm Singapore (vị trí 6), Malaysia (vị trí 26), và Thái Lan (vị trí 40).
Chỉ số Đổi mới Bloomberg là một chỉ số quốc tế uy tín đánh giá hiệu quả chính sách của Chính phủ và tác động của đổi mới với nền kinh tế.
2019 là năm thứ 7 Bloomberg thực hiện xếp hạng này. Các quốc gia được xếp hạng về mức độ sáng tạo dựa 7 tiêu chí chính, gồm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D); giá trị gia tăng trong ngành sản xuất; năng suất lao động; mức độ tập trung của các công ty đại chúng trong lĩnh vực công nghệ cao; hiệu quả của giáo dục bậc cao; mức độ tập trung của các nhà nghiên cứu; và hoạt động bằng sáng chế.
Để thực hiện xếp hạng, Bloomberg bắt đầu bằng việc đánh giá hơn 200 nền kinh tế trên thang điểm từ 0-100 trong 7 tiêu chí có tỷ trọng điểm cân bằng. Các quốc gia và vùng lãnh thổ không công bố dữ liệu đối với 6 tiêu chí sẽ bị loại, rút ngắn danh sách còn 95.