Ngành công nghiệp trị giá 60 tỷ USD và “gã khổng lồ” xuất hiện sau M&A
Markets & Markets dự báo thị trường này có thể tăng trưởng đạt mức 76 tỷ USD vào năm 2020.
Ước tính tổng giá trị thị trường của các sản phẩm từ Phốt-pho lên đến hơn 60 tỷ USD. Chuỗi giá trị Phốt-pho bắt đầu từ việc sản xuất Phốt-pho nguyên tố hoặc Axít Phốt-pho-ric từ quặng Apatit. Từ đó người ta điều chế ra nhiều loại dẫn xuất quan trọng được sử dụng trong phân bón, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, các loại vật liệu nổ,... Do đó có thể nói ứng dụng của Phốt-pho là cực kỳ rộng lớn và đa dạng.
Sản xuất Phốt-pho nguyên tố và axít nhiệt đã dịch chuyển sang các nước châu Á. Chi phí điện năng trong quá trình sản xuất Phốt-pho nguyên tố (Phốt-pho vàng) có thể chiếm đến 40% tổng giá thành sản xuất (bình quân 14MW điện cho mỗi tấn). Từ đó người ta mới có thể sản xuất tiếp Axít Phốt-pho-ric theo quá trình nhiệt. Do chi phí năng lượng ngày càng tăng cộng với tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắc khe, sản xuất Phốt-pho vàng đã dịch chuyển về các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ,...
Thay vào đó, các nước phát triển sẽ nhập Axít Phốt-pho-ric trích ly (WPA) được sản xuất trực tiếp từ quặng và sử dụng công nghệ hiện đại để tinh lọc. Như vậy, chi phí điện và môi trường thấp vừa là những lợi thế cạnh tranh quan trọng trong ngắn – trung hạn nhưng cũng vừa là rủi ro những rủi ro chính trong dài hạn của ngành công nghiệp Phốt-pho tại các nước đang phát triển hiện nay.
DGC tiền thân là Công ty Hoá chất Đức Giang – trực thuộc Tổng cục Hoá chất Việt Nam, được thành lập từ năm 1963. Công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ tháng 3/2004 và chính thức niêm yết lên sàn HNX từ tháng 8/2014. DGC hoàn thành quá trình M&A và tái cơ cấu các công ty con, đơn vị liên kết vào ngày 24/9/2018. Quá trình này có thể tóm tắt thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là M&A CTCP Hoá chất & Phân bón Lào Cai (LFC) và CTCP Hoá chất Bảo Thắng (BTC) vào DGL; giai đoạn 2 là DGC phát hành cổ phiếu để hoán đổi tăng tỷ lệ sở hữu tại DGL.
Chuỗi sản xuất của DGC hiện đã có đầy đủ các sản phẩm sau tái cấu trức như Phốt-pho vàng, Axít Phốt-pho-ric nhiệt (HPO) và trích ly (WPA), các loại phân bón (SSP, DSP và MAP), phụ gia thức ăn chăn nuôi (DCP) và các loại chất tẩy rửa. Chỉ có riêng nguyên liệu thô là quặng Apatit thì DGC vẫn phải mua từ các doanh nghiệp lân cận trong địa bàn tỉnh Lào Cai mà chưa có mỏ khai thác riêng
DGC công bố báo cáo tài chính quý 4/2018 với doanh thu thuần luỹ kế cả năm đạt 6.062 tỷ đồng tăng gấp 9,7 lần cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 882 tỷ đồng tăng gấp 6,9 lần cùng kỳ. Nguyên nhân chính: kết quả kinh doanh 2017 không hợp nhất DGL; giá bán các sản phẩm chính như Phốtpho vàng và WPA tăng; sản lượng Phốt-pho vàng tăng nhờ hoạt động vượt công suất và hợp nhất CTCP Phốt-pho Apatit Việt Nam.
Dự báo của CTCP Bảo Việt (BVSC) trong năm 2019 về khả năng chuyển sang sàn HSX và tăng cổ tức trong năm 2019. DGC có thể sẽ trình kế hoạch chuyển sàn tại Đại hội Cổ đông Thường niên 2019, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 29/3/2019. Ngoài ra, lợi nhuận giữ lại của DGC đang ở mức 1.155 tỷ đồng cuối quý 4 (10.700 đồng/cp) do đó kỳ vọng tỷ lệ cổ tức năm nay có thể sẽ tăng cao hơn mức bình quân 20-30% của các năm trước. Định giá DGC có vẻ rẻ so với các doanh nghiệp cùng ngành. BVSC lấy tỷ trọng 80% do nhóm Hoá chất và 20% cho nhóm Phân bón, dựa trên tỷ trọng của từng mảng trong doanh thu của DGC. Tính toán cho thấy, P/E 2018 của công ty đạt 5,40 lần và P/B đạt 1,66 lần thấp hơn lần lượt 17% và 13% so với mức tham chiếu.