Chính phủ khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư cho ngành điện

Thy Hằng 14/02/2019 13:13

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư cho ngành điện để đáp ứng nhu cầu điện tăng trung bình 10 – 11%/năm.

Sáng 14/2, dự lễ khánh thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư cho ngành điện.

 vui mừng khi được biết Nhà máy nhiệt điện Thái Bình được đánh giá là một trong các nhà máy nhiệt điện có chất lượng hàng đầu tại Việt Nam”

Thủ tướng vui mừng khi được biết Nhà máy nhiệt điện Thái Bình được đánh giá là một trong các nhà máy nhiệt điện có chất lượng hàng đầu tại Việt Nam. Ảnh:VGP

Cùng với đó, Chính phủ cũng ưu tiên bố trí các nguồn vốn Nhà nước để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội ngày một tăng, trung bình 10 – 11%/năm.

Cần vốn lớn cho đầu tư dài hạn

Tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án khoảng 1,27 tỷ USD. Sau thời gian hơn 4 năm thi công, xây dựng, lắp đặt các thiết bị, cả 2 tổ máy của nhà máy đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 4/2018.

Dự kiến, mỗi năm nhà máy sẽ phát lên lưới điện quốc gia sản lượng điện từ 3,6-3,9 tỷ kWh. Nhà máy sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số cận tới hạn, đây là loại công nghệ đã được áp dụng phổ biến trên thế giới. Nhiên liệu sử dụng cho nhà máy là than antracite nội địa. Tro xỉ nhà máy thải ra được sử dụng làm phụ gia xi măng nên đã được tiêu thụ hết, không có tro xỉ tồn dư, môi trường được đảm bảo.

Được biết, hệ thống điện quốc gia Việt Nam hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu và có dự phòng công suất, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng cho đất nước. Tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam hiện nay đã đạt gần 48.000 MW, đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia và xếp hạng 31 trên thế giới.

Như vậy, trong vòng 15 năm từ năm 2003 đến năm 2018, Việt Nam đã hoàn thành đưa vào vận hành 40 nhà máy điện với tổng công suất trên 21.000 MW. Khối lượng đường dây 500 kV tăng trưởng trung bình 13%/năm. Phát triển các công trình đường dây và trạm biến áp 220kV đến hầu hết các tỉnh, thành phố.

Trong khi đó, với mức tăng trưởng 11 - 12% nhu cầu điện, mỗi năm cần ít nhất 10 tỉ USD phát triển các dự án điện. Nói như ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) từng đánh giá: "Nếu như năm 2010 trở lại đây Việt Nam đầu tư hơn 80 tỉ USD vào sản xuất, truyền tải và phân phối điện thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần đến 150 tỉ USD cho ngành năng lượng này để đáp ứng nhu cầu điện của người dân".

Có cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, theo mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2016 - 2020 có xét đến 2030 thì nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 148 tỉ USD.

“Điện sản xuất tính trên đầu người năm 2018 là 2.000 kWh/người, con số này đến năm 2030 phải đạt 6.000 kWh/người, bằng với các nước phát triển hiện nay. Do đó cần thiết phải có nguồn vốn lớn cho việc phát triển dài hạn”, Thứ trưởng giải thích thêm.

"Tuy nhiên với tỉ lệ nợ công như hiện nay, không có ngân sách nào chịu nổi thì lấy đâu cho phát triển các dự án điện?", Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nêu ý kiến.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ cũng ưu tiên bố trí các nguồn vốn Nhà nước, đặc biệt, khuyến khích thu hút vốn ngoài Nhà nước đầu tư cho ngành điện.

Có thể bạn quan tâm

  • Tương lai nào cho nhiệt điện than?

    Tương lai nào cho nhiệt điện than?

    06:15, 30/01/2019

  • Giải pháp nào xử lý tro, xỉ quá tải tại Nhiệt điện Mông Dương 1?

    Giải pháp nào xử lý tro, xỉ quá tải tại Nhiệt điện Mông Dương 1?

    10:29, 29/12/2018

  • EVN cam kết tuân thủ bảo vệ môi trường tại Nhiệt điện Quảng Trạch

    EVN cam kết tuân thủ bảo vệ môi trường tại Nhiệt điện Quảng Trạch

    08:33, 24/12/2018

  • Chưa thể loại bỏ nhiệt điện than

    Chưa thể loại bỏ nhiệt điện than

    23:34, 20/12/2018

Khuyến khích dự án sử dụng vốn ngoài nhà nước

Để thực hiện hiệu quả việc thu hút, trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong việc quản lý vận hành nhà máy nhiệt điện, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy nhà máy để góp phần đảm bảo cung ứng điện cho đất nước, đảm bảo an toàn môi trường. Tuyệt đối không được để xảy ra các vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành nhà máy.

Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường giám sát của chính quyền địa phương và người dân quanh vùng dự án, nhất là vấn đề bụi than, xỉ than, đề đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Thủ tướng cho biết, đã báo cáo Bộ Chính trị về việc tiếp tục triển khai dự án nhiệt điện Thái Bình 2 sau một thời gian tồn tại kéo dài để cụm nhiệt điện này, có công suất lên đến gần 2.000 MW, theo cam kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để khánh thành vào năm 2020, mà nay đã đạt 83% khối lượng công việc.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình điện, khuyến khích các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư, bảo đảm cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước với chất lượng ngày càng cao.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiết giảm chi phí, giảm giá thành, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, thực hiện rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thy Hằng