Vinachem ‘tháo chạy’ khỏi dự án nửa tỉ USD tại Lào

Theo Báo Tuổi trẻ 18/02/2019 10:34

Đầu tư hơn 522 triệu USD nhằm khai thác khoảng 620.000 tấn muối/năm tại tỉnh Khăm Muộn (Lào), nhưng sau 15 năm rót hàng nghìn tỉ đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) phải 'tháo chạy'.

Cuộc "tháo chạy" của Vinachem khỏi đất Lào để lại hậu quả lớn về kinh tế mà kết luận thanh tra mới đây của Bộ Công thương vẫn chưa tính toán hết thiệt hại.

Con số thiệt hại có thể lên tới hàng nghìn tỉ đồng, nhưng đến lúc này Vinachem vẫn loay hoay, chưa thể "rút chân" khỏi đất Lào vì những vướng mắc trong hợp đồng EPC với tổng thầu TTCL - K.UTEC-CECO.

Đứt gánh giữa đường

Trong kết luận thanh tra dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali do Vinachem đầu tư tại Lào, Bộ Công thương cho biết dự án được bắt đầu triển khai từ năm 2004. Giai đoạn 2004-2008, Vinachem thực hiện công việc thăm dò, đánh giá trữ lượng muối; giai đoạn 2012-2016 đầu tư, hoàn thiện hạ tầng mỏ muối để đưa vào khai thác.

Để thực hiện dự án này, Vinachem dự kiến đầu tư khoảng 522,46 triệu USD bằng các nguồn vốn tự có, vốn vay ưu đãi Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), vốn vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ, và vốn vay thương mại không bảo lãnh.

Phương án ban đầu khá "sáng": Vinachem tính toán vào tháng 9-2015, dựa trên giá bán sản phẩm muối kali do Fertecon World Fertilizer Review công bố, muối kali tiêu chuẩn giá 340 USD/tấn, muối kali dạng hạt 365 USD/tấn.

Với mức giá này, Vinachem tính toán sau khi trừ chi phí đầu tư, chi phí lãi vay, trả nợ vay, dự án có hiệu quả kinh tế, với mức lợi nhuận khoảng 140 triệu USD.

Nhưng chỉ cuối năm 2016, giá muối kali tại Đông Nam Á giảm xuống còn khoảng 250 USD/tấn, tại Việt Nam giảm xuống còn 270 USD/tấn. Triển vọng dự án đảo ngược, nếu đầu tư tiếp sẽ lỗ.

Có dấu hiệu kê vống mức đầu tư?

Dù dự án khai thác và chế biến muối kali tại Lào đặt mục tiêu hoàn thành giai đoạn đầu tư, đưa vào khai thác vào năm 2016, nhưng đến năm 2015 Vinachem mới chính thức khởi công dự án và đến nay dự án vẫn đang dở dang.

Bên cạnh đó, Vinachem đặt mục tiêu giải ngân khoảng 6.400 tỉ đồng trong giai đoạn 2011 - 2016, nhưng mới giải ngân được 1.429 tỉ đồng, chỉ đạt 22,32% kế hoạch.

Việc phê duyệt tổng mức đầu tư dự án của Vinachem theo kết luận thanh tra có sai số lên tới 25%, đơn vị tư vấn lập dự án - PMC không căn cứ theo quy định pháp luật để tính toán tổng mức đầu tư mà căn cứ theo công trình tương tự được xây dựng tại... nước Đức để lập dự án.

Vì vậy việc tính toán, phê duyệt tổng mức đầu tư dự án không xác thực, có dấu hiệu kê vống tổng mức đầu tư dự án.

Thực trạng này làm tổng mức đầu tư dự án tăng khoảng 145 triệu USD, từ 377 triệu USDlên 522 triệu USD (tỉ giá tại thời điểm đầu tư tương đương gần 11.000 tỉ đồng).

Hơn nữa, do chậm trễ trong giải ngân các khoản vay 113,1 triệu USD từ VDB, 261,2 triệu USD từ các ngân hàng có bảo lãnh của Chính phủ đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ chung dự án. 

Nguyên nhân của sự chậm trễ này do Bộ Tài chính không thấy được hiệu quả dự án và không xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay từ tháng 10-2016.

Vì vậy, đến ngày 21/11/2016, Vinachem báo cáo Thủ tướng xin tạm dừng thực hiện dự án lần 1 vì không nhận được bảo lãnh vay vốn.

Tiếp đó, đến ngày 29/11/2016 Vinachem tiếp tục xin Chính phủ cho tạm dừng dự án lần 2 cũng với lý do trên.

Trước động thái đó của Vinachem, Chính phủ đã chỉ đạo tập đoàn cập nhật lại giá cả thị trường và tính toán lại tổng mức đầu tư dự án. Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương xem xét, xử lý kiến nghị của Vinachem, khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý đối với dự án.

Vinachem đã thuê Viện Khoa học và công nghệ mỏ - luyện kim (Vimluki) tính toán lại, kết quả cũng cho thấy dự án không có hiệu quả kinh tế.

Muốn rút cũng không dễ

Đến tận ngày 15/5/2018, Bộ Công thương chính thức có văn bản yêu cầu Vinachem thực hiện chấm dứt đầu tư, kết thúc các hợp đồng dự án khai thác và chế biến mỏ muối kali tại Lào sau khi đã rót hàng nghìn tỉ vốn đầu tư.

Đồng thời, bộ cũng yêu cầu tập đoàn đánh giá, xác định lại khối lượng, chi phí đã thực hiện và dự kiến chi phí phát sinh khi kết thúc các hợp đồng theo quy định của pháp luật, bảo đảm thu hồi tối đa vốn đầu tư, không để mất vốn nhà nước.

Tuy nhiên, không chỉ tiền đầu tư đã tiêu ngàn tỉ, đến nay muốn dừng cũng không đơn giản. Tổng thầu TTCL - K.UTEC-CECO đã có văn bản không đồng ý chấm dứt hợp đồng với Vinachem, bởi theo hợp đồng EPC đã ký kết thì chủ đầu tư và nhà thầu sẽ phải thương thảo, đàm phán, xử lý tranh chấp hợp đồng trong thời gian tới.

Tổng thầu TTCL - K.UTEC-CECO cho biết đến tháng 7/2017, dự án đã thi công đạt khoảng 57% khối lượng hợp đồng EPC, nhưng Vinachem mới chỉ xem xét hồ sơ thanh quyết toán khoảng 16,25% khối lượng. Đây chính là khúc mắc lớn nhất khiến Vinachem chưa thể "tháo chạy" khỏi dự án.

"Không đủ năng lực quản lý dự án"

Năm 2008, Vinachem đã thành lập Công ty TNHH hóa chất và muối mỏ Việt Lào (Vilachemsalt) 100% vốn công ty mẹ, để thực hiện dự án khai thác và chế biến muối kali.

Nhưng theo kết luận thanh tra, Vilachemsalt đã không đủ năng lực, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao trong tổ chức đấu thầu, phê duyệt thay đổi thiết kế kỹ thuật, lập kế hoạch tổng thể về tiến độ thực hiện dự án, tổ chức giám sát các nhà thầu thi công, nghiệm thu khối lượng, chất lượng công trình, lưu giữ tài liệu dự án theo quy định pháp luật.

Vì vậy đã xảy ra hàng loạt sai phạm trong quản lý, đấu thầu, đầu tư dự án.

Theo đánh giá, ông Nguyễn Huy Cương được bổ nhiệm làm giám đốc Vilachemsalt khi không có năng lực phù hợp với nhiệm vụ. 

Ông Nguyễn Phú Cường (chủ tịch hội đồng thành viên Vinachem): Sẽ thu hồi tối đa vốn nhà nước

Việc thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào dự án trong thời gian tới phải bảo đảm thu hồi tối đa quyền lợi của Nhà nước tại dự án.

Về quá trình giải quyết vướng mắc giữa Vinachem và tổng thầu TTCL - K.UTEC-CECO sẽ được thực hiện theo các cam kết trong hợp đồng.

Trong hợp đồng EPC dự án đã ký kết giữa chủ đầu tư và tổng thầu có các điều kiện, nguyên tắc, ràng buộc trách nhiệm các bên và thời gian tới sẽ xử lý theo hợp đồng.

Phần khối lượng công việc 40,75% tổng thầu đã thi công trong thời gian tới cũng căn cứ theo nguyên tắc hợp đồng EPC đã ký kết để bảo đảm quyền lợi các bên.

Họ đã làm và những phần công việc mình đã ghi nhận rồi thì phải trả. Đây là nhà thầu quốc tế, không thể nói là mình trả hay không trả, hoặc thích hay không thích được, mà phải theo luật và các cam kết quốc tế mà VN tham gia.

Thời gian tới Vinachem sẽ chấp hành đầy đủ các quy định nghĩa vụ trong hợp đồng EPC, hợp đồng quy định thế nào thì phải thực hiện vì đó là thông lệ chung theo luật pháp VN và luật pháp quốc tế.

Theo Báo Tuổi trẻ