"Kỳ lân" Hàn Quốc thâu tóm Vietnammm: Thế trận mới trên chiến trường giao nhận đồ ăn
Với thương vụ thâu tóm Vietnammm, "kỳ lân" sở hữu nền tảng giao món ăn lớn nhất Hàn Quốc sẽ cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ tại Việt Nam như GrabFood, Now.
Trang MK News của Hàn Quốc đưa tin Woowa Brothers - “kỳ lân” sở hữu nền tảng giao món ăn Baedal Minjok của Hàn Quốc đã mua lại nền tảng đặt thức ăn trực tuyến Vietnammm tại Việt Nam. Hiện vẫn chưa biết Vietnammm sẽ đổi thương hiệu hay không và Woowa Brothers sẽ tiếp quản công việc kinh doanh thế nào.
Thành lập ngày 21/2/2011, Vietnammm.com ra đời bởi chính nhu cầu của người sáng lập Jochem Lisser, khi ông đang ở Hà Nội, mong muốn đặt vài món ăn online và giao tới tận nơi nhưng không có dịch vụ nào đáp ứng. Những năm sau, Vietnammm có nhiều bước tiến đáng kế khi liên tiếp mở rộng ra các thành phố lớn tại Việt Nam. Thậm chí, năm 2015, Vietnammm còn mua lại Foodpanda - một đơn vị cũng tham gia ngành giao nhận đồ ăn nhưng chỉ tồn tại được 3 năm cho đến thời điểm phải bán mình.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường giao nhận đồ ăn Việt Nam đang có một số tên tuổi phổ biến như GrabFood, Now, GoFood, Loship, Lalamove. Mặc dù còn khoảng cách song GoFood đang cùng với GrabFood, Now được xem là những "ông lớn" giao nhận đồ ăn và đang tạo nên thế 3 chân đầy giằng co trên thị trường.
Ra mắt từ năm 2010, Woowa Brothers đã nhận nhiều khoản đầu tư lớn, gồm 40 tỉ won (35,5 triệu USD) từ Goldman Sachs vào năm 2014; 57 tỉ won (51 triệu USD) từ Hillhouse Capital vào năm 2016 và 35 tỉ won (31 triệu USD) từ Naver. Tính cả vòng gọi vốn mới nhất, họ đã nhận khoảng 506 tỉ won (gần 450 triệu USD) từ các nhà đầu tư.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, tần suất sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến của người thành thị hiện đang khá cao, 99% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần/tháng.
5 ứng dụng được biết đến nhiều nhất bao gồm GrabFood (của Grab), Now.vn (của Foody), GoFood (của Go-Viet), Vietnammm và Lixi, theo thứ tự từ cao xuống thấp. Khi được hỏi đã từng sử dụng dịch vụ nào, hai lựa chọn phổ biến nhất của người dùng theo thứ tự là GrabFood và Now.vn.
GrabFood hiện dẫn đầu về mức độ hài lòng chung của người dùng, tiếp đến là Now.vn. Còn GoFood là tên tuổi được biết đến nhiều thời gian gần đây, nhưng vẫn còn một khoảng cách khá lớn với 2 thương hiệu dẫn đầu.
Vào cuối năm 2018, Woowa Brothers đã tuyên bố kế hoạch ra mắt tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2019. Sau đó, đầu năm nay, hãng này đã bắt đầu đăng tuyển và tìm nhân sự làm việc cho công ty tại TP HCM.
Woowa Brothers là một cái tên không hề tầm thường khi hội tụ cả ba yếu tố: sức mạnh tài chính, sức mạnh công nghệ và cả vị thế dẫn đầu thị trường Hàn Quốc hiện nay. Nền tảng giao đồ ăn Beadal Minjok của Woowa Brothers đang dẫn đầu thị trường Hàn Quốc, chiếm hơn 50% thị phần trong nước, mặc dù phải cạnh tranh với hơn 40 đối thủ khác cùng thị trường.
Sau khi kêu gọi 320 triệu USD trong năm 2018, Woowa Brothers trở thành “kỳ lân” Hàn Quốc với mức định giá 2,6 tỷ USD. Công ty cho biết sẽ sử dụng số vốn mới để mở rộng ra thị trường nước ngoài và phát triển robot tự động.
Việc Woowa Brothers mua lại Vietnammm được xem là cách nhanh nhất để dịch vụ này có được thị phần tại Việt Nam, đồng thời rút ngắn thời gian tìm hiểu thị trường, tìm kiếm nhân lực...Ưu điểm của Woowa Brothers khi hoạt động tại Việt Nam là có sẵn nền tảng công nghệ, có nguồn tài chính từ các nhà đầu tư và chỉ hoạt động trong lĩnh vực giao đồ ăn so với đối thủ đã có vị thế như Grab hay Go-Viet.
Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Trong bối cảnh nhịp sống hiện đại khiến nhiều người có thói quen đặt giao đồ ăn tận nơi, thị trường này đang dần nóng lên từng ngày với tiềm năng khai thác ngày một rộng lớn.
Tuy nhiên, đây không phải một "miếng bánh ngon" khi chiến trường của nó diễn ra khá khốc liệt và lợi nhuận trong ngành không cao. Gần nhất vào cuối năm ngoái, Lala - một startup giao nhận đồ ăn được đầu tư bởi Scommerce Group đã lặng lẽ rút lui bằng cách chuyển đổi mô hình kinh doanh từ B2B2C (buiness to business to customer) như trước đây sang B2B (buiness to business).