Nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào thị trường bán lẻ Việt Nam
Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và là “miếng mồi” béo bở đối với các nhà đầu tư.
Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, thị trường bán lẻ đang chuyển dần sang xu hướng đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 800 siêu thị, 150 trung tâm mua sắm, 9.000 chợ truyền thống và khoảng 2,2 triệu nhà bán lẻ đang hoạt động trên thị trường Việt. Đây là 1 trong 6 ngành nghề thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất, tỷ lệ bán buôn và bán lẻ của Việt Nam chiếm tới 14% GDP cả nước.
Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và là “miếng mồi” béo bở đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, năm 2018 và những năm tiếp theo Việt Nam vẫn sẽ là thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp ngoại.
Mới gần đây nhất, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản Ryohin Keikaku, đơn vị vận hành hệ thống Muji thông báo quyết định sẽ thành lập công ty TNHH MUJI Việt Nam vào tháng 8/2019 nhằm phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Muji Việt Nam được sở hữu 100% bởi Ryohin Keikaku và dự kiến đặt trụ sở và cửa hàng đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, cửa hàng này sẽ khai trương vào mùa xuân năm sau.
Nằm trong khu vực ASEAN, sở hữu số dân đông thứ 3 và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với 7,1% năm ngoái, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường trọng điểm của khu vực. Đây là lý do tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật Bản lựa chọn Việt Nam làm điểm đến mở rộng kinh doanh.
Chuỗi Family Mart của Nhật Bản cho thấy hiện chuỗi siêu thị này đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam và dự định mở thêm 700 cửa hàng vào năm 2020.
Đặc biệt, nhà bán lẻ Takashimaya (có lịch sử 180 năm tại Nhật Bản) cũng mở một cửa hàng 15.000 m2 tại Saigon Center ở Tp. Hồ Chí Minh- cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
Trước đó, một hãng bán lẻ đình đám khác từ Nhật Bản là 7-Eleven cũng đã “đổ bộ” vào Việt Nam tháng 6/2017 với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong 1 thập kỷ tới.
Ngoài các nhà đầu tư Nhật Bản, các nhà đầu tư Hàn Quốc hay Thái Lan cũng đang liên tục mở rộng hoạt động bán lẻ tại Việt Nam. Lotte Mart (Hàn Quốc) cũng lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020. Thêm vào đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc cũng đã bắt đầu “tấn công” thị trường Việt với tham vọng mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc trong 10 năm tiếp theo.
GS Retail đến từ Hàn Quốc mở cửa hàng đầu tiên của chuỗi GS25 tại TP.HCM đầu năm 2018 và hiện đã có 10 cửa hàng. Dự định của GS Retail là sẽ mở 50 cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam trong năm 2018 và đạt 2.500 cửa hàng trong 10 năm tới.
Hay như chuỗi B’s Mart của Thái Lan cũng mở tới 3.000 cửa hàng còn Aeon sẽ mở 500 hàng tạp hóa...
Trong nước, chuỗi VinMart mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020. Những chuỗi cửa hàng bán lẻ của người Việt liên tục tăng trưởng và thêm thành viên mới như Bách Hóa Xanh, Vuivui.com, Satrafood, Co.op Food …
Thị trường bán lẻ trong nước tuy đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn nhưng vẫn được giới chuyên gia nhận định là mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, cơ hội vẫn còn nhiều cho những người đến sau, nhất là những ai biết ứng dụng công nghệ, biết tạo sự khác biệt và mang lại nhiều giá trị cộng thêm cho khách hàng…
Để phát triển hàng Việt, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng các cơ hội phát triển tại thị trường trong nước và có những thay đổi tích cực để phát triển sản phẩm.
Theo các chuyên gia, bên cạnh công nghệ, việc chủ các chuỗi và kênh bán hàng biết tạo ra sự khác biệt sẽ là một lợi thế lớn để thu hút khách hàng trong bối cảnh điểm bán mới của các nhà bán lẻ hiện hữu đang nở rộ khắp nơi và thị trường dự báo sẽ xuất hiện thêm những nhân tố mới.