Chuyện tôm Việt muốn rộng đường vào Mỹ, châu Âu và mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu

Theo Trí thức trẻ 03/03/2019 02:58

Để con tôm được xuất khẩu thuận lợi, Việt Nam cần hình thành và chuẩn hoá chuỗi từ nuôi trồng, chế biến…

Đích lớn của ngành thuỷ sản

Năm 2018 là năm được đánh giá là đầy thăng trầm của ngành thuỷ sản khi ngành tôm, vốn là điểm sáng, giảm 8% về kim ngạch xuất khẩu, chỉ đạt 3,6 tỷ USD. Đây cũng là năm mà ngành khai thác, chế biến hải sản gặp nhiều trở ngại trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu do hậu quả từ thẻ vàng IUU từ châu Âu.

Tuy nhiên, ngành thuỷ sản đang tỏ ra lạc quan cho năm 2019. Đầu năm, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã đặt ra con số 10 tỷ USD thu về từ xuất khẩu. Nguyên nhân ngành đang kỳ vọng vào những động lực tăng trưởng như dự báo lượng tiêu thụ của thế giới tăng, lợi thế từ các FTA.

VASEP cũng vạch rõ kế hoạch cho từng nhóm ngành, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến "con tôm". Cụ thể, ngành tôm phải thu về giá trị lớn nhất về kim ngạch là 4,2 tỷ USD, cá tra đạt mức 2,3 tỷ USD, mặt hàng hải sản đạt 3,5 tỷ USD.

Trong tương lai, con tôm Việt còn mang trong mình khát vọng trở thành một trong những ngành chủ của nông nghiệp, kỳ vọng mang về cho đất nước 10 tỷ USD - tức bằng cả mục tiêu của năm 2019 hiện tại, biến Việt Nam trở thành thủ phủ tôm số 1 thế giới. 

Mục tiêu được đưa ra rất rõ ràng, nhưng để con tôm thực sự đạt được mục tiêu, chinh phục được những thị trường khó tính lại là cả một vấn đề.

Chuỗi liên kết của tôm

Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng nhấn mạnh cần phải có được chuỗi nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu… được chuẩn hoá.

Chuỗi liên kết này gồm tất cả các doanh nghiệp trong ngành như nhà sản xuất, công ty giống, thu mua, chế biến và thị trường. Cơ chế chuỗi là các bên cung cấp nguồn lực trực tiếp cho hộ nông dân và ngân hàng trả tiền.

Ngân hàng giống như đối tác vừa quản lý - hỗ trợ tài chính, vừa giám sát thực hiện và đưa ra hình phạt chặt chẽ. Đây là mô hình chia sẻ rủi ro và lợi nhuận trong nuôi tôm.

"Nếu không tối ưu hóa diện tích nuôi tôm, đầu tư, ứng dụng công nghệ nhiều hơn, với diện tích hiện tại mà vẫn đạt được mục tiêu tỷ USD từ con tôm mà Chính phủ đặt mục tiêu thì chuỗi giá trị là cách hữu hiệu nhất và chúng ta không phải trả giá để xử lý ô nhiễm môi trường trong tương lai", ông nói.

Hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn mà Việt Nam mong muốn được mở rộng sản xuất. Theo ông Josh Madeira, Phụ trách chính sách bảo tồn biển, chương trình Seafood Watch (Mỹ), người nuôi tôm Việt phải hiểu rõ bản chất của thị trường Mỹ.

Cụ thể, ông nhấn mạnh quan điểm không mở rộng diện tích nuôi tôm, thay vào đó, tăng hàm lượng, chất lượng con tôm theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Ví dụ, 90% các nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ sẽ chỉ mua thủy hải sản từ các nhà cung cấp đảm bảo bền vững môi trường. Ở châu Âu tỷ lệ này là 75%.

Mặt khác, ông Josh cũng cho biết hiện Mỹ đang đánh giá tôm Việt Nam ở mức "red", tức không nên mua sản phẩm. Tuy nhiên, vị này cho rằng quan điểm như vậy chưa chính xác và muốn làm việc với các địa phương để tìm ra những mô hình làm tốt, để có được đánh giá tốt hơn.

Tổ chức của ông đã thực hiện một số chương trình tại Việt Nam. Cụ thể, Seafood Watch đã tạo ra mô hình nội địa hoá, vốn là sự kết hợp của tiêu chuẩn địa phương lẫn tổ chức này. 

Hiện đơn vị này cùng ngành tôm xây dựng lên bộ tiêu chuẩn ASIC cho Việt Nam, và đang tiến hành triển khai tiêu chuẩn này ở Việt Nam và một số nước để mở rộng việc đánh giá.

Theo ông, Seafood Watch cũng sẽ đưa những doanh nghiệp thu mua của Mỹ sang Việt Nam để chọn lọc các nhà cung cấp sản phẩm đảm bảo để thu mua tôm Việt Nam.

Theo Trí thức trẻ