Khu, cụm công nghiệp ĐBSCL “vỡ trận” (Kỳ II): Tù mù tầm nhìn quy hoạch
Vì quá kỳ vọng và xem công nghiệp như “chiếc đũa thần kỳ”mang lại sự tăng trưởng nhảy vọt mà địa phương nào trong khu vực ĐBSCL cũng muốn mình có càng nhiều khu, cụm công nghiệp càng tốt.
Việc phát triển khu, cụm công nghiệp một cách ồ ạt, thiếu cân nhắc khi lựa chọn vị trí, thiếu nguồn lực đầu tư hạ tầng đã dẫn đến hệ lụy nhiều khu, cụm công nghiệp rơi vào thế bế tắc.
Đua nhau làm công nghiệp
Khi nhắc đến KCN, CCN ở các tỉnh miền Tây, tỉnh Long An có lẽ là điểm “nóng” nhất với hơn 60 khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, gần 16.000 ha đất bị thu hồi, phần lớn là đất nông nghiệp màu mỡ với những đặc sản nổi tiếng như gạo Nàng Thơm Chợ Đào, thơm Bến Lức, dưa Hoàng Kim... Dù có ưu thế “dùng ké” hạ tầng với TP HCM nhưng hiện tại địa phương này cũng chỉ mới đưa được 38 KCN, CCN đi vào hoạt động.
Năm 2004, thời điểm mới thành lập tỉnh, Hậu Giang cũng đã tranh thủ đưa vào quy hoạch hàng loạt KCN, CCN với diện tích lên đến trên 3.000 ha. Qua 15, địa phương này chỉ có KCN Sông Hậu (lợi thế sát nách TP.Cần Thơ) đã cơ bản lấp đầy. Mặc dầu vậy, nhưng địa phương này vẫn đang tiếp tục đưa vào quy hoạch thêm nhiều KCN, CCN khác.
Là địa phương “vùng sâu, vùng xa” nhưng tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cũng đã đưa vào quy hoạch hàng chục KCN, CCN quy mô lớn. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông cách trở nên các địa phương này thu hút được rất ít các nhà đầu tư, dẫn đến việc đất đai bị bỏ hoang phí. Đau lòng hơn là hàng ngàn hộ dân bị mất đất, không có việc làm tại địa phương phải tha phương cầu thực.
Vấn nạn quy hoạch Khu, Cụm công nghiệp rồi bỏ hoang đã trở thành “dịch bệnh” lây lan hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Nếu lấy theo mức trung bình 0,5 ha/hộ (4 nhân khẩu) thì nếu giải tỏa 40.000ha làm công nghiệp đã ảnh hưởng đến sinh kế của trên 80.000 nhân khẩu.
Theo TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược-Bộ NN&PTNT, lĩnh vực nông nghiệp ĐBSCL đóng góp lớn cho xuất siêu. Mặc dù, vùng này có lợi thế về nông nghiệp nhưng hầu hết định hướng phát triển kinh tế của các tỉnh đều thiên về xây dựng các KCN, CCN.
Tiến thoái lưỡng nan
Sau nhiều lần trì hoãn, đầu năm 2019, UBND TP.Cần Thơ đã phải buộc lòng ký quyết định thu hồi chủ trương đầu tư đối với phần diện tích chưa triển khai thực hiện trong KCN Hưng Phú 1 và Hưng Phú 2.
Theo Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, năm 2008, Công ty CP KCN Sài Gòn - Cần Thơ được chấp thuận đầu tư hạ tầng KCN Hưng Phú 1 (Cụm B) với diện tích 131 ha. Đơn vị này đăng ký tiến độ đến cuối năm 2010 hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng rất trì trệ nên cuối năm 2017, địa phương ra quyết định thu hồi một phần dự án với diện tích gần 76 ha. Tuy nhiên, sau đó tiến độ thực hiện vẫn không được cải thiện nên buộc lòng địa phương phải thu hồi tiếp 35ha tại KCN này.
Tương tự, KCN Hưng Phú 2A được quy hoạch từ năm 2007 và giao cho Công ty TNHH MTV Vật liệu Xây dựng và Xây lắp Thương mại BMC làm chủ đầu tư, với diện tích gần 100 ha. Trước sự trì trệ kéo dài hàng chục năm của chủ đầu tư, buộc lòng địa phương phải ra quyết định thu hồi một phần dự án này.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty BMC chia sẻ: “khi nhận dự án chúng tôi cũng muốn xúc tiến nhanh nhưng trong quá trình triển khai luôn bất cập về quy hoạch bất hợp lý.
Kỳ sau: Tranh nhau “trải thảm” mời gọi nhà đầu tư