Geleximco chinh phục thị trường tỷ USD
Liên danh Công ty Geleximco và CTCP Vận tải và thương mại quốc tế (ITC) vừa đề xuất đầu tư dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và bến cảng Cái Mép hạ lưu với tổng vốn đầu tư 1,32 tỷ USD.
Dự án thuộc phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng khoảng 1.168 ha; trong đó khu bến cảng là 105 ha, khu trung tâm logistics là 1.000 ha. Nhu cầu lao động dự kiến khoảng 15.000 - 20.000 người.
Tiết kiệm tỷ USD/năm
Dự án nhằm cung cấp dịch vụ cảng biển, lưu giữ hàng hóa trong kho ngoại quan, kho đông lạnh và kho khác với quy mô thông quan mỗi năm khoảng 3 triệu TEU hàng container (một TEU bằng một thùng container tiêu chuẩn 39 m3 thể tích).
Như vậy, tính từ thời điểm gửi công văn đề nghị đầu tư (tháng 10/2016) đến Thủ tướng Chính phủ, thì sau hơn hai năm kiên trì theo đuổi dự án kép là cảng CMH và Trung tâm logistics CMH, Geleximco đã đang dần tới đích.
Về mặt thủ tục, Geleximco và ITC sẽ tiếp thu các ý kiến đóng của của các thành viên tham dự họp, bổ sung hoàn chỉnh phương án đầu tư dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và bến cảng Cái Mép Hạ.
Dự án cảng và Trung tâm logistics Cái Mép Hạ là dự án phức hợp, khép kín. Bến cảng sẽ phát huy hiệu quả trung tâm logistics. Ngược lại, có trung tâm logistics sẽ hỗ trợ cho hoạt động khai thác cảng, từ đó giảm giá thành thông quan, giảm chi phí xuất nhập khẩu...
Giải “bài toán” logistics
Chi phí logistics của Việt Nam hiện đang chiếm bình quân khoảng 21% trên giá thành sản phẩm, rất cao so với các nước phát triển. Quy mô của ngành dịch vụ logistics hiện chiếm 3 - 4% GDP và có mức tăng trưởng khá nhanh khoảng 15 - 20% /năm, dự kiến quy mô của ngành dịch vụ này sẽ đóng góp 8 - 10% GDP tới năm 2025.
Hiện ước tính 90% lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam thực hiện qua đường biển nên tối ưu hóa vận tải hàng hải là giải pháp hàng đầu để giảm chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, theo Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam, có tới gần 1.300 doanh nghiệp logistics nhưng đa phần doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chính vì vậy, việc Geleximco mạnh tay đầu tư vào Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và bến cảng Cái Mép hạ lưu không chỉ góp phần giải bài toán giảm chi phí logistics cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam, mà còn góp phần hiện thực hoá tham vọng của Tập đoàn. Bởi Geleximco không xa lạ gì với ngành khai thác cảng, logistics cũng như kinh nghiệm trong việc liên doanh với nhà khai thác cảng quốc tế. Geleximco là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Đầu tư cảng Cái Lân, đơn vị liên doanh với nhà khai thác cảng lớn nhất của Mỹ là SSA Marine để khai thác cảng quốc tế Cái Lân (CICT). Geleximco cũng rất “chắc tay” khi chọn đối tác đồng hành là Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC), nhà khai thác cảng SP-ITC, một cảng container đang vận hành khá hiệu quả tại TPHCM. ITC cũng đồng thời sở hữu đội sáu tàu hàng rời có tổng trọng tải đạt 200.000 DWT.
Không phải tay ngang và với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cụm cảng Cái Mép Hạ hứa hẹn sẽ là địa điểm tập kết hàng hoá xuất nhập khẩu cũng như phát triển mạnh các dịch vụ hàng hải và logistics của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và là một bước tiến mới trong chiến lược phát triển của Geleximco.