Mối quan hệ giữa nhà cung ứng với siêu thị: Những nút thắt cần gỡ bỏ!

Chuyên gia kinh tế - Vũ Vinh Phú 04/04/2019 12:30

Đã có nhiều tiếng kêu về chiết khấu cao vô lý, cộng với các chi phí khác chiếm tới 30-40% chi phí để sản xuất ra một sản phẩm hàng Việt.

Tại diễn đàn “Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam” tổ chức gần đây, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương có nói “Các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi phân phối các siêu thị nói chung và các siêu thị nước ngoài nói riêng, ngoài việc phải trải qua một quy trình phức tạp về thủ tục, các nhà cung cấp phải trả hàng loạt phí như phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, phí marketing, thưởng doanh số, chiết khấu…”.

Muốn hàng lên “kệ”, phải chi 500.000 USD

Có lẽ đây là sự công nhận công khai đầu tiên của cơ quan phụ trách thị trường trong nước Bộ Công thương về những vấn đề vướng mắc giữa các nhà cung ứng và một số siêu thị. Vị Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam ông Hồ Xuân Hùng có nói “Chúng ta chăm lo cho sản xuất lớn, những khâu thương mại đã hưởng phần lớn giá trị, tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn chưa thoát được. Phải tìm cách phân phối lại lợi ích giữa các công đoạn từ sản xuất, thương mại, chế biến. Muốn vậy, phải để nông dân có quyền lợi đến sản phẩm cuối cùng của họ”. Vị Chủ tịch còn nêu thêm ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Nông dân toàn quốc : “Vì sao nông dân vẫn bỏ quê hương ra đi và bỏ ruộng hoang như thế, đây là vấn đề lớn phải suy nghĩ”.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp bị “đẩy” vào ngõ cụt vì chiết khấu siêu thị quá cao

    Doanh nghiệp bị “đẩy” vào ngõ cụt vì chiết khấu siêu thị quá cao

    13:35, 10/08/2016

  • Siêu thị dùng chiêu “kéo vào - đẩy ra” để ép chiết khấu

    Siêu thị dùng chiêu “kéo vào - đẩy ra” để ép chiết khấu

    10:28, 21/07/2016

Cũng trong năm 2018, ông Vụ phó của Tổng Cục thuế phải kêu lên: “Đưa hàng vào siêu thị Big C chiết khấu cứng 20%, chiết khấu mềm 12%, đây là một vấn đề đáng báo động cho kinh tế Việt Nam”. Nhận thấy tình hình nói trên đã kéo dài, Chính phủ cũng đã cho ý kiến về “ngăn chặn sự chi phối lũng đoạn của khâu bán lẻ”. Đây là một hiện tượng khách quan không thể không công nhận, đang tồn tại trong mối quan hệ giữa nhà cung cấp, nhà sản xuất và một số các siêu thị.

Nhiều cuộc hội thảo về mối quan hệ giữa sản xuất và phân phối đã có nhiều tiếng kêu về chiết khấu cao vô lý, cộng với các chi phí khác, đã chiếm tới 30-40% chi phí để sản xuất ra một sản phẩm hàng Việt. Mặc dù biết đứng chân ở siêu thị là để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, tuy nhiên, hầu hết đều nêu khó khăn là bị lỗ khi đưa hàng vào siêu thị.

Không chịu nổi những chi phí vô lý đó, một số nhà sản xuất đã phải “cắn răng” lập chuỗi bán lẻ riêng của mình, mặc dù rất tốn kém. Một doanh nghiệp chè Thế hệ mới cho biết “Với thị trường trong nước, doanh nghiệp đã phải chi cho siêu thị 500.000 USD để đưa hàng của họ lên kệ.” Đó là một chi phí quá lớn và vô lý. Ngoài các chi phí cao vô lý kể trên thì hiện tượng chiếm dụng vốn của nhà cung cấp cũng không phải là cá biệt do bị chậm thanh toán 10 - 15 ngày là bình thường mặc dù hàng ký gửi đã bán xong.

Một số siêu thị đã chiếm dụng vốn một cách đương nhiên, họ còn ép giá bán với nhà sản xuất, bắt bán theo giá mà siêu thị áp đặt. Ngay trong tháng 3/2019 vừa qua, một ví dụ rất cụ thể về sự vô lý khi đưa hàng hóa Việt vào siêu thị: một mã hàng miến dong vào ký gửi ở siêu thị LT, chi phí vào quầy kệ lần đầu là 20.000.000 đồng, tạo một mã hàng 8.000.000 đồng, chưa kể chiết khấu khoảng 15-20%, chi phí kế toán, chi phí bầy kệ, chi phí sinh nhật...

Ngược lại, cũng cân miến đó vào siêu thị HPR thì chi phí vào lần đầu là 8.000.000 đồng, chi phí tạo 1 mặt hàng là 500.000 đồng, chiết khấu khoảng 12-15%. Câu hỏi đặt ra tại sao cùng trên một mảnh đất Thủ đô do Sở Công thương quản lý lại có 2 hiện tượng trái ngược và chênh lệch vô lý đến vậy? Chi phí vào siêu thị LT gấp 3-4 lần chi phí vào siêu thị HPR.

Không chấp nhận áp đặt “cửa quyền”

Nói đi thì cũng nói lại, không phải tất cả siêu thị trong và ngoài nước đều có những hiện tượng như vậy, mặc dù hiện tượng này khá phổ biến ở những siêu thị lớn, có doanh số cao, địa thế đẹp, có thế mạnh đàm phán với nhà cung cấp. Với Tập đoàn Vingroup cũng là một tập đoàn lớn có thế mạnh nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao mà họ lại công bố miễn chiết khấu 0% trong 1 năm cho các nhà cung ứng thực phẩm tươi sống vào hệ thống Vinmart.

Họ còn đầu tư vào sản xuất hàng nông sản thực phẩm của 800 hộ kinh doanh để bao tiêu sản phẩm, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý cho người sản xuất và cung cấp đầu vào ổn định cho hệ thống của tập đoàn. Mô hình mang tính nhân văn này này đúng ra phải tiếp tục nhân rộng ra các siêu thị khác nhưng tiếc rằng mới chỉ là cá biệt. Những hiện tượng đang diễn ra phổ biến hàng chục năm nay chưa được giải quyết dứt điểm, gây nhiều tiếng kêu than của các doanh nghiệp sản xuất và nhà cung ứng rộ lên ở các cơ quan thông tấn báo chí, các chuyên gia đại biểu Quốc Hội, các nhà quản lý nghiêm túc, chân chính bênh vực cho lẽ phải và cho sự công bằng đều chưa được giải quyết một cách thấu đáo.

Câu hỏi đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Hiệp hội ngành nghề bán lẻ, các Sở Công thương tỉnh thành phố có biết việc này một cách đầy đủ và thấu đáo chưa?

Chúng ta phát triển kinh tế thương mại theo nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước, có cả một Cục quản lý Cạnh tranh để phân xử những hiện tượng chèn ép độc quyền trong một nhóm các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa Việt Nam mà chưa bao giờ bị tuýt còi xử lý, nhằm đem lại niềm tin cho nhà sản xuất và cung ứng hàng Việt vào hệ thống bán lẻ Việt Nam. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt của thị trường trong nước đối với sự xâm nhập ngày càng mãnh mẽ của hàng hóa và hệ thống phân phối nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Xin được trích dẫn một đoạn quan trọng trong Luật Thương mại: “Nhà bán lẻ không được từ chối nhập hàng hóa của các nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng”. Câu hỏi đặt ra “Thế nào là lý do chính đáng?” thì lại chưa có văn bản nào giải thích. Các nhà sản xuất và cung ứng hàng Việt vào siêu thị nếu không chấp nhận những điều kiện đơn phương vô lý của một số siêu thị có thế mạnh thì siêu thị có “quyền từ chối” nhà cung cấp đáng thương đó không với lý do “vô cùng chính đáng” của họ?

Đó là sự áp đặt một chiều và rất vô lý. Chúng ta đang tiến tới một nền kinh tế chia sẻ, một nền thương mại công bằng ở thị trường Việt Nam. Dư luận hãy lên tiếng mạnh mẽ về những tồn tại nói trên của mối quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà cung ứng hàng Việt với một số siêu thị độc quyền. Các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành nghề chân chính hãy có những ý kiến chỉ đạo, phê phán một cách kiên quyết, đúng pháp luật về những hiện tượng đang tồn tại ở thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay nhằm bảo vệ hàng Việt, bảo vệ những nhà sản xuất Việt Nam đang có ý chí vươn lên làm chủ thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và nhà nước “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiện nay.

Mong rằng những vấn đề trên sẽ được gỡ bỏ trong thời gian sớm nhất, để hàng Việt có chỗ đứng một cách chính đáng trên các kệ hàng với mức giá hợp lý và cạnh tranh, có lợi nhuận hợp lý cho nhà sản xuất và người tiêu dùng xã hội.

Chuyên gia kinh tế - Vũ Vinh Phú