Khi doanh nghiệp thủy sản tìm 'rể ngoại'
Với tiềm năng tăng trưởng cùng với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang là đích nhắm của không ít nhà đầu tư ngoại.
Doanh nghiệp thủy sản được nhà đầu tư ngoại để ý
Vào cuối tháng 2, "vua tôm" Minh Phú (Mã: MPC), một trong những công ty sản xuất tôm lớn nhất tại Việt Nam đang tìm kiếm nhà đầu tư mua bằng việc phát hành gần 76 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 4 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mitsui có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản.
Chủ tịch Minh Phú, ông Lê Văn Quang, cho biết hiện Công ty đang rà soát, đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược và sẽ cố gắng chốt lại trước ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông. Ông Quang tiết lộ, giá trị thương vụ này được định khoảng 230 - 250 triệu USD.
Nếu nhà đầu tư chỉ mua dưới 35% thì mức giá Minh Phú đưa ra tương đương với giá thị trường. Tuy nhiên để nắm 51%, mức giá đưa ra phải cao hơn 20% trị trường thì công ty mới bán.
Năm 2012, Minh Phú đã từng từ chối hợp tác với Công ty Charoen Pokpand Foods (CP Foods) của Thái Lan, dù giá thỏa thuận lên đến 50.000 đồng/cổ phiếu. Thời điểm đó, Minh Phú công khai quan điểm chọn nhà đầu tư để phát triển mạnh trong tương lai, tận dụng cơ hội và tiềm năng doanh nghiệp để thực hiện tham vọng trở thành công ty đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm và kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 700 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng.
Không riêng Minh Phú, vào cuối tháng 3, Công ty TNHH Kinh doanh Chế biến Thủy sản và XNK Quốc Việt, một trong những thương hiệu chế biến tôm lớn nhất Việt Nam, cũng đang lên kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư.
Quốc Việt sở hữu trang trại với sản lượng khoảng 6.804 tấn tôm và hai nhà máy có khả năng sản xuất 45.359 tấn sản phẩm. Công ty chuyên sản xuất tôm tẩm bột, các sản phẩm giá trị gia tăng cũng như nguyên liệu nấu chín khác, với Nhật Bản là thị trường chính.
Ông Ngô Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch công ty, cho biết Quốc Việt mở cửa cho các nhà đầu tư chiến lược và tài chính, nhưng khả năng sẽ có nhiều khoản đầu tư ngắn hạn hơn.
"Kế hoạch này diễn gồm 2 giai đoạn. Vì các nhà đầu tư chiến lược cần có thời gian nên giai đoạn đầu tiên có thể là một thỏa thuận bán vốn cổ phần tư nhân, sau đó chúng tôi sẽ tìm kiếm một đối tác chiến lược dài hạn trong tương lai", ông Tuấn nói.
Bên cạnh hai doanh nghiệp công khai việc hợp tác với nhà đầu tư ngoại, một số doanh nghiệp khác trong ngành cũng âm thầm tìm nhà đầu tư nước ngoài. CTCP Gò Đàng (Mã: AGD) đã mạnh tay bán 49% cổ phần cho khối ngoại và tuyên bố muốn rời khỏi sàn chứng khoán.
Hay như CTCP Thủy sản Việt Úc (Viet Uc Seafood) đã được quỹ đầu tư STIC Investment của Hàn Quốc mua hơn 1 triệu cổ phần tương ứng tỷ lệ 9,8% vào tháng 7/2018. Trong giao dịch này, Thủy sản Việt Úc được các nhà đầu tư định giá khoảng 330 triệu USD tương đương 7.425 tỉ đồng.
Ở lĩnh vực thủy hải sản chế biến, đầu năm 2012, Công ty Thực phẩm Cholimex đã bán 19% cổ phần cho đối tác Nhật - một doanh nghiệp hoạt động trong ngành thực phẩm.
Cân nhắc được hay mất?
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản 2019 dự kiến tiếp tục tăng trưởng nhờ cơ hội đầu tư vào ngành lớn khi nhu cầu tăng.
Trả lời báo Người Lao động về lợi thế khi có nhà đầu tư ngoại tham gia, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính - ngân hàng, cho biết chuỗi thủy sản là chuỗi giá trị toàn cầu, từ khâu con giống, thức ăn, nuôi trồng, sản xuất đến đầu ra.
"Hiện chuỗi giá trị thủy sản của Việt Nam còn thấp, chúng ta mong muốn thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị này nên việc các doanh nghiệp thủy sản bắt tay với đối tác ngoại sẽ có cơ hội mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho doanh nghiệp", ông Hiển nhận xét.
Tuy nhiên, có không ít trường hợp, nhiều doanh nghiệp dự định bán cổ phần chỉ vì thiếu vốn mà không tính toán đường dài. Mức độ cần vốn đến đâu thì sẽ chi phối các quyết định và lợi thế trên bàn đàm phán tới đó.
Đơn cử trường hợp của Gõ Đàng, phải chấp nhận hủy niêm yết theo yêu cầu của đối tác ngoại, không chỉ vì nhà đầu tư ngoại sở hữu tới 49%, mà quan trọng vì doanh nghiệp này không còn lựa chọn.
Trong khi đó, quyết định từ chối mua cổ phần của đối tác Thái xuất phát từ việc Minh Phú vẫn còn thời gian và nhiều phương án để tìm đối tác mới có khả năng đưa ra giá phù hợp, và hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp tốt hơn sau khi góp vốn.