“Chắp cánh” tư nhân đầu tư hàng không

Phan Nam 16/04/2019 11:00

Theo dự báo, đến năm 2020, nguồn vốn nhà nước cho lĩnh vực hàng không dự kiến chỉ đáp ứng từ 30-35% nhu cầu đầu tư.

Mới đây, Vietjet đẫ có văn bản đề xuất đầu tư nâng cấp, cải tạo cảng hàng không Điện Biên. Theo đó, Vietjet sẽ xây dựng mới 1 nhà ga hành khách hiện đại, 2 cao trình, diện tích sàn khoảng 16.000m2, công suất 2 triệu hành khách/năm, 800 hành khách/giờ; đảm bảo đỗ cùng lúc 4 tàu bay A320/B737.

br class=

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng do Sun Group làm chủ đầu tư trở thành sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam.

Cuối năm 2018, ông Johnathan Hạnh Nguyễn Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương – IPP cũng đã ngỏ ý muốn được đầu tư vào hạ tầng hàng không khi gửi văn bản tới Bộ GTVT đề nghị được cùng TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là lần thứ hai trong 1 năm trở lại đây, ông Johnathan bày tỏ nguyện vọng.

Trước đó, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng do Sun Group làm chủ đầu tư trở thành sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam.

Thậm chí, đối với dự án “siêu khủng” là Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) cũng đã từng được Tập đoàn Geleximco và đối tác đề xuất Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép đầu tư xây dựng theo hình thức PPP.

Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ACV đã trình Bộ Giao thông Vận tải kế hoạch đầu tư phát triển hàng loạt dự án hạ tầng hàng không giai đoạn 2018 - 2021 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, sẽ có 16 cảng hàng không trọng điểm được đầu tư nâng cấp gồm các cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phú Bài, Cát Bi, Phú Quốc, Cam Ranh, Vinh, các cảng hàng không Liên Khương, Tuy Hòa, Côn Đảo, Đồng Hới; Xây dựng mới các Nhà ga hành khách cảng hàng không Điện Biên, Nà Sản, Lào Cai.

Dự kiến, tổng mức đầu tư các dự án nhà ga, sân đỗ lên tới hơn 56.700 tỷ đồng bằng vốn tích luỹ từ hoạt động kinh doanh của ACV. Ngoài ra, cần hơn 20.700 tỷ đồng đầu tư cho các dự án trong khu bay bằng nguồn vốn tích luỹ từ hoạt động kinh doanh khu bay...

Tuy nhiên, theo dự báo, đến năm 2020, nguồn vốn nhà nước cho lĩnh vực hàng không dự kiến chỉ đáp ứng từ 30-35% nhu cầu đầu tư, vì vậy để phát triển hạ tầng hàng không đồng bộ, Việt Nam cần 65-70% vốn từ doanh nghiệp tư nhân.

Hiện, Việt Nam có 5 hãng hàng không chính đang hoạt động là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VietJet Air, VASCO và Bamboo Airways. Nhưng tốc độ phát triển hạ tầng hàng không hiện nay chưa theo kịp lực cầu tăng, dẫn đến việc nhiều sân bay bị “nghẽn” trong những giai đoạn cao điểm, dẫn đến chậm chuyến, hủy chuyến...

Chính vì vậy, tư nhân hóa đầu tư sân bay là giải pháp hiệu quả, khắc phục những hạn chế trong chất lượng dịch vụ hàng không hiện nay. Nhưng để thu hút tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không, Nhà nước cũng cần có những chính sách hợp lý để đảm bảo sự thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng và khai thác thương mại.

Phan Nam