Vì sao doanh nghiệp Việt khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?
Tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Việt mới chỉ đạt khoảng 33%...
"Do tỷ lệ nội địa hóa thấp, trung bình chỉ khoảng 33% nên mức độ tham gia của các doanh nghiệp ở Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng thấp", ông Ron Ashkin, Giám đốc dự án liên kết USAID (LinkSME), nhấn mạnh.
Khó gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu
Số liệu của Bộ Công Thương tại hội thảo "Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu" cho thấy, năm 2018, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất. Số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép đạt khoảng 9,067 tỷ USD, chiếm 50,5% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Việt Nam đã trở thành điểm sản xuất một số mặt hàng công nghiệp có giá trị cao như điện thoại di động, máy tính bảng... Dù vậy, các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại diện LinkSME dẫn chứng, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 70% lượng xuất khẩu năm 2018, đạt khoảng 244 tỷ USD. Điều đáng nói, phần lớn doanh nghiệp FDI liên kết với nhà cung cấp nước ngoài. Cụ thể, năm 2018, khu vực FDI đã phải nhập khẩu 47,1% đầu vào từ các công ty mẹ ở nước ngoài.
Điển hình, một mình Samsung chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng tính đến năm 2018, số doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung mới đạt 25 doanh nghiệp và dự kiến tăng lên đến 42 doanh nghiệp trong năm 2019 và 50 doanh nghiệp vào năm 2020. Một trong 5 nhà máy vượt trội năm 2018 là Công ty TNHH General Electric (tại Hải Phòng), tỷ lệ nội địa hóa hiện nay cũng chỉ dưới 20%.
Điều đáng nói, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm tới 98%, nhưng chỉ có 21% số này liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài. So sánh tỷ lệ này thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan là 30%, Malaysia 46%.
Khảo sát chỉ số PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, đa số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ cho các công ty tư nhân trong nước (64%) và chỉ có 15% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bán hàng hoá, dịch vụ cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, 8,4% xuất khẩu sản phẩm trực tiếp và 7,4% xuất khẩu gián tiếp thông qua bán hàng cho các doanh nghiệp mua hàng bên thứ 3.
Loạt nhân tố cản trở
Chỉ rõ những bất cập trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Ron Ashkin phân tích, chính việc áp dụng kỹ thuật kém nên năng suất lao động thấp, việc thiếu kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, lao động thiếu tay nghề... khiến Việt Nam ít có doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi đầu - cuối. Cộng với việc kết nối kém với nguồn tài chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều đáng quan ngại nữa, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam chưa hài lòng về chất lượng và năng lực của các nhà cung cấp nội địa. Gần 60% cho rằng khó hoặc rất khó đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hoá để có thể hưởng các ưu đãi thương mại do họ gặp phải các vấn đề về chất lượng và năng lực của các doanh nghiệp trong nước.
Cùng quan điểm trên, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (Vasi) thừa nhận, khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu là không đáp ứng được giá theo yêu cầu do chi phí đầu vào cao như thuế, phí, chi phí không chính thức... Bên cạnh đó là sản xuất chưa tinh gọn khiến giá thành đội lên. Doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được đơn hàng theo yêu cầu. Doanh nghiệp nhỏ nên chỉ đáp ứng được đơn hàng nhỏ, còn với đơn hàng lớn khó có khả năng đáp ứng đúng hạn và thiếu các công đoạn gia công có chất lượng, thiếu tiêu chuẩn quản lý phù hợp...
Ngoài ra, những doanh nghiệp này còn thiếu kênh phân phối, năng lực thương mại hạn chế cũng như thiếu thông tin về xu thế, công nghệ, thị trường, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh hay nhà cung cấp...
"Tất cả những điều này làm cản trở lợi ích đối với nền kinh tế Việt Nam. Chỉ khi nội địa hóa tăng đến chuẩn quốc tế, Việt Nam mới có thể thu được đầy đủ các lợi ích của FDI hiện nay và khi đó phát triển xuất khẩu", ông Ron Ashkin nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Ron Ashkin, tiềm năng đầu tư sản xuất sản phẩm tại Việt Nam và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển bền vững là rất lớn. Giá trị tiềm năng của nội địa hóa trong xuất khẩu thông qua chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam là 115 tỷ USD. Tiềm năng phát triển cho Việt Nam qua việc đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu là khoảng 58 tỷ USD. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng, trở thành những nhà cung ứng địa phương cấp I cho các tập đoàn lớn.
Để giải quyết bài toán này, bà Bình khuyến nghị, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo cần phải cải thiện để tăng tính cạnh tranh toàn cầu như đạt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và theo lĩnh vực. Đồng thời, tăng cường năng lực thương mại, quản trị, kết nối. Tìm kiếm các cơ hội từ thị trường toàn cầu và các cơ hội từ thị trường trong nước trong các lĩnh vực như ô tô, điện tử, hàng không...
"Doanh nghiệp cần phát triển chuỗi giá trị với sự nghiên cứu lựa chọn sản phẩm dự kiến cung ứng trong nước phù hợp với năng lực cạnh tranh của Việt Nam, dung lượng thị trường lớn, có tiềm năng và có sự cam kết với định hướng của các công ty đầu chuỗi cung ứng", bà Bình nhấn mạnh.