Ðầu tư nước ngoài và ngàn mối lo cạnh tranh không lành mạnh
Trong lĩnh vực vận tải và xe công nghệ, các “thương hiệu mạnh” như Uber, Grab hay mới đây nhất là Go Việt cũng chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam.
Khi thị phần nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống bị thu hẹp, liên tiếp các đợt phản đối mạnh mẽ từ các hãng, các hiệp hội taxi, vận tải có liên quan được đưa ra nhằm vào Uber và sau này là Grab ngày càng gay gắt và những lời cáo buộc, thậm chí sai sự thật, đánh tráo khái niệm cũng được đưa ra.
Ngàn mối lo
Theo thống kê chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hầu hết các ông lớn trong lĩnh công nghệ cao của thế giới đã có mặt đầu tư vào Việt Nam.
Trong lĩnh vực vận tải và xe công nghệ, các “thương hiệu mạnh” như Uber, Grab hay mới đây nhất là Go Việt cũng chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam. Nhiều start-up khác như Didi Chuxing (Trung Quốc), MVL (Singapore) cũng tuyên bố sẽ tấn công thị trường Việt.
Càng nhiều hãng tham gia thị trường vận tải, những làn sóng phản đối, tố cáo hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Uber, Grab liên tiếp được các doanh nghiệp, hiệp hội trong nước đưa ra trong suốt thời gian qua. Đáng nói, dù phản ứng về dịch vụ mới này, nhiều hãng taxi truyền thống, công ty vận tải vẫn ngày đêm phát triển ứng dụng gọi xe để nâng cao sức cạnh tranh, quản lý và điều phối dịch vụ của mình…
Lý do phản đối hoạt động của Uber, Grab được nhiều đơn vị đưa ra với đủ mọi góc độ: lo ngại doanh nghiệp trong nước bị thua lỗ, mất việc làm của người lao động, đến cả ý kiến phải chấm dứt hoạt động vì bị cạnh tranh không lành mạnh. Cả ý kiến các hãng xe công nghệ đang gây bất lợi cho kinh tế xã hội trước mắt và lâu dài cũng được đưa ra để gây sức ép với cơ quan quản lý nhằm buộc các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài phải dừng hoạt động.
Nhưng dù đưa nhiều lý do tố các đối thủ xe công nghệ và luôn kêu về việc gặp khó khăn, báo cáo tài chính của không ít đơn vị cho thấy hoạt động của doanh nghiệp taxi trong nước vẫn tăng trưởng, có lợi nhuận cao.
Cần tư duy đúng
Về việc bị các đối thủ trong nước liên tục bêu xấu, luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay, tại Việt Nam hiện có nhiều chiêu cạnh tranh “không đẹp” trực tiếp và gián tiếp đánh đối thủ, gây áp lực với các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, gây mất mất niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vì vậy Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cần có vai trò, trách nhiệm xử lý, giải quyết các vấn đề này. Ngoài ra, tòa án cũng có thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp về cạnh tranh hay hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Hùng cho rằng, theo quy định doanh nghiệp, hiệp hội được quyền có ý kiến, đề xuất nhưng không được dùng các thủ đoạn, phương pháp, lôi kéo… để gây áp lực hay can thiệp vào các quyết định quản lý nhà nước. “Các hiệp hội, các doanh nghiệp taxi truyền thống liên tiếp đưa ra những thông tin cố tình “đánh lận con đen” về hoạt động của các đối thủ ngoại tại Việt Nam cho thấy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang thiếu sòng phẳng. Các hành vi này gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài và đi ngược lại với luật cạnh tranh quốc tế”, ông Hùng nói.
Cùng đó, việc cạnh tranh không lành mạnh có thể khiến Việt Nam mất đi các nguồn đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế về cạnh tranh, có thể bị khởi kiện ra toà án trong nước và quốc tế.
“Có việc các hiệp hội, các doanh nghiệp taxi truyền thống liên tiếp đưa ra những thông tin cố tình “đánh lận con đen” về hoạt động của các đối thủ cho thấy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam thiếu sòng phẳng. Các hành vi này gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài và đi ngược lại với luật cạnh tranh quốc tế”, ông Hùng nói.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, các hãng taxi truyền thống nêu những vấn đề cần quản lý với xe công nghệ cũng có nguyên nhân. Về bản chất, loại hình dịch vụ vận tải này là một ứng dụng đặc trưng của thời đại công nghệ 4.0, đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng và xã hội, nhưng đã bị nhìn nhận lệch lạc hoặc cố tình làm cho lệch lạc.
Theo ông Thành, nếu đã thừa nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không thể tiếp tục quan sát và quản lý xã hội với tư duy 3.0 hay thậm chí 2.0. “Một tư duy đúng đắn trong kỷ nguyên 4.0, là chính sách quản lý phải hỗ trợ đưa cả thị trường đi theo hướng mô hình vận tải công nghệ, để các hãng taxi truyền thống từng bước chuyển đổi theo những cách khác nhau, chứ không phải kéo taxi công nghệ trở lại thành taxi truyền thống”, ông Thành nói.