Cơ hội từ CPTPP (Kỳ IX): Lưu ý chứng nhận Hanal ở Brunei

Quốc Anh 27/04/2019 06:17

Thuỷ sản và gạo được xem là hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu sang Brunei để đón cơ hội từ CPTPP.

Tính đến hết tháng 2/2019, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 43 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu đạt 39 triệu USD; xuất khẩu đạt 3,8 triệu USD.

p/Thương mại song phương Việt Nam - Brunei các năm. Đvt: triệu USD

Thương mại song phương Việt Nam - Brunei các năm. Đvt: triệu USD

Tiềm năng lớn

Theo cam kết trong CPTPP, Brunei cam kết xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) ngay khi Hiệp định có hiệu lực, xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11. Hiện nay, Brunei đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ và cam kết Brunei sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định này.

Dù cùng là thành viên ASEAN, CPTPP, nhưng doanh nghiệp hai nước chưa tận dụng được nhiều tiềm năng của nhau. Hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn còn khiêm tốn.

Riêng mặt hàng gạo, hiện các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đang phải cạnh tranh gay gắt với gạo của Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia. Loại gạo mà thị trường này hay nhập là gạo thơm, đây cũng là loại gạo chất lượng cao mà các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng cường xuất khẩu nhằm tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài gạo, cà phê, nước hoa quả, hoa quả sấy khô đang dần thâm nhập vào thị trường Brunei.

Lưu ý với doanh nghiệp

Có rất nhiều lý do khiến mặt hàng gạo và thuỷ sản Việt chưa xuất khẩu được nhiều sang Brunei, mà một trong những lý do chính là các doanh nghiệp chưa áp dụng đúng những đặc trưng thị trường, đặc biệt là chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm Hồi giáo Hanal.

Để tăng cường xuất khẩu sang Brunei, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động chuẩn bị chu đáo việc xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như: kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm Hanal...

“Để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp cần chú trọng, nâng cao nhận thức về các quy định nói trên, bởi chứng chỉ Halal là một trong những yêu cầu tiên quyết đối với nông sản, thực phẩm nói chung và thủy sản nói riêng vào các thị trường Hồi giáo”, Bộ Công thương nhấn mạnh.

Cùng đó, các doanh nghiệp cần cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp để giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu tại quốc gia này.

Quốc Anh