Vì sao doanh nghiệp tư nhân ngại dự án PPP?

Theo Pháp luật TP HCM 08/05/2019 10:10

Có ý kiến cho rằng khu vực tư nhân tham gia dự án PPP đang bị đối xử bất bình đẳng, bị Nhà nước quản lý như nhà thầu...

Mặc dù Nhà nước và nhà đầu tư cùng tham gia vào dự án hợp tác công - tư (PPP) nhưng theo nhiều nhà đầu tư, họ đang phải "gánh" nhiều rủi ro hơn.

Khi đóng góp ý kiến cho Dự án Luật PPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết, doanh nghiệp tư nhân tham gia vào dự án PPP đang đối mặt với quá nhiều khó khăn và rủi ro. "Trong đó, có việc không tách bạch rõ vai trò của khu vực nhà nước trong dự án PPP", ông Hoàng nói.

Cụ thể, theo ông Hoàng, khu vực tư nhân tham gia dự án PPP đang bị đối xử bất bình đẳng, bị Nhà nước quản lý như nhà thầu. Ông cho biết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư là hai bên đối tác ký kết hợp đồng, nhưng trong thực tế, cơ quan nhà nước thường lạm dụng quyền lực quản lý nhà nước để can thiệp vào thực hiện hợp đồng dự án bằng các quy định hành chính, bằng các văn bản pháp lý, khiến phương án tài chính dự án PPP bị điều chỉnh.

"Do đó, chức năng quản lý và chức năng đầu tư của Nhà nước cần phải được tách bạch trong luật để tạo ra cơ chế rõ ràng cho các dự án PPP được triển khai thuận lợi", ông Hoàng kiến nghị. Theo đó, ông đề xuất cần có một cơ quan thẩm định độc lập để tránh tình trạng nhà nước can thiệp quá mức vào dự án PPP, tạo khoảng không cho doanh nghiệp hoạt động.

Thậm chí, trong Dự án Luật PPP cần phải có các quy định rõ ràng để hạn chế sự can thiệp này, đảm bảo tuân thủ hợp đồng đã ký kết. Đồng thời, cần quy định rõ xử lý trách nhiệm như thế nào nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp sâu, gây ảnh hưởng đến phương án tài chính đã nêu tại hợp đồng.

Một kiến nghị tương tự cũng được một chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng đưa ra khi nói về cơ chế hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong dự án PPP. Vị này cho biết, thực tế trong nhiều hợp đồng PPP, khu vực nhà nước thường chịu rủi ro ít hơn so với khu vực tư nhân.

Ngay cả trong trường hợp rủi ro do phía Nhà nước phải đền bù thiệt hại theo quy định của hợp đồng thì trên thực tế việc thực hiện cũng rất khó. "Ai đền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng đền hay cơ quan nào, khi đền thì phải thực hiện thủ tục thế nào?", vị này đặt câu hỏi.

Còn theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cơ chế PPP là cơ chế chia sẻ rủi ro hai bên cùng có lợi, do đó Nhà nước trong dự án PPP cần được xem như một nhà đầu tư có vai trò, nghĩa vụ và quyền lợi tương ứng theo quy định của hợp đồng giữa hai bên. Nếu Nhà nước vừa tham gia đầu tư lại vừa tham gia quản lý, can thiệp quá mức vào hợp đồng thì chẳng khác nào "vừa đá bóng, vừa thổi còi". "Cơ chế như vậy sẽ rất khó để hút khu vực tư nhân tham gia vào dự án PPP", ông Eric nói.

Do đó, để dự án PPP trở nên khả thi, cân bằng được lợi ích giữa nhà nước và tư nhân, ông Eric khuyến nghị "Chính phủ cần hiểu rõ nhu cầu, yêu cầu khu vực tư nhân là như thế nào, và ngược lại khu vực tư nhân cũng cần hiểu rõ động cơ và những quy trình thủ tục mà Chính phủ phải tuân thủ. "Đó là cơ chế hai bên có lợi", đại diện ADB nhấn mạnh.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn tới, nhu cầu đầu tư toàn xã hội cũng như nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng là rất lớn. Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn này theo giá hiện hành dự kiến khoảng 9.120-9.750 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 32-34% GDP.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu độc lập của ADB, từ năm 2015 - 2025, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng trung bình hàng năm của Việt Nam khoảng 16,7 tỷ USD (khoảng 367 nghìn tỷ đồng); và theo Ngân hàng HSBC, con số này vào khoảng 17,2 tỷ USD (khoảng 378,4 nghìn tỷ đồng).

Những con số này cho thấy, với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu, thì dư địa cho việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân cả trong nước và nước ngoài là rất lớn.

Vì vậy, Dự án Luật PPP đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham vấn ý kiến sẽ tập trung vào 9 vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện dự án PPP như phạm vi điều chỉnh và lĩnh vực dự án, quy mô dự án, loại hợp đồng PPP, bảo lãnh Chính phủ, quyết toán, hậu kiểm, hoạt động của doanh nghiệp dự án, miễn giảm sử dụng đất và sự tham gia của bên cho vay.

Theo Pháp luật TP HCM