Đón đầu EVFTA (Kỳ II): Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Đức
Khi EVFTA đi vào thực thi, Đức được xem là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu của các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Các hàng hoá Việt Nam như nông thuỷ sản, dệt may, da giày…được đánh giá cao ở Đức.
Tiêu chuẩn nghiêm ngặt
So với luật chung của EU thì luật của Đức nghiêm ngặt hơn. Trong đó, cần chú trọng đến 3 tiêu chuẩn: chất lượng, vệ sinh sản phẩm và trách nhiệm xã hội.
Riêng mặt hàng nông sản, với mức tăng trưởng xuất khẩu lên đến 10%/năm, nông sản xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ bứt phá sau khi EVFTA đi vào thực thi. Bởi vì hiện nông sản Việt khi xuất khẩu sang EU đang bị đánh thuế 14%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế này sẽ về 0%.
Ông Phan Văn Thường - Giám đốc CTCP Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, cho biết, tất cả các container hàng hoá nông sản muốn vào được thị trường Đức buộc phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. “G.OC từng nhận được đơn đặt hàng 35 container nông sản, dù biết là cơ hội lớn nhưng chúng tôi chỉ nhận 20 container để đảm bảo chất lượng, tiến độ”, ông Thường cho biết.
Lưu ý khi xuất khẩu sang Đức
Câu chuyện của G.O.C có lẽ cũng là một minh chứng cho thấy, việc xuất khẩu một container sang EU đã khó, thì xuất sang Đức còn khó hơn nhiều. Nhưng đổi lại, thương hiệu, sản phẩm nào đã vào được Đức thì cũng đồng nghĩa với cơ hội vào được bất kỳ thị trường nào. Vì vậy, việc xuất khẩu sang Đức không thể tính bằng giá trị số hàng hoá xuất khẩu, mà là những hợp đồng mới trong tương lai ở các thị trường khác.
Khi xuất khẩu nông sản sang Đức, các doanh nghiệp cần lưu ý tới chất lượng sản phẩm, đặc biệt là giá cả. Bởi vậy, khi đến mùa thu hoạch trong nước, giá trái cây thường giảm, nên việc định giá thấp sẽ làm tăng sức cạnh tranh.
Ngoài ra, người tiêu dùng Đức thích các loại trái cây rời hơn là đóng gói, và xu hướng dùng thực phẩm hữu cơ đang rất phổ biến ở Đức. Cuối cùng, các sản phẩm nông sản muốn vào thị trường Đức, cần tham gia các hội chợ nông sản, bởi việc tham gia hội chợ là cơ sở để người Đức tin dùng cho sản phẩm đó.