Thấy gì từ con số vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam tăng 450%?
5 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng 450% so với cùng kỳ 2018.
Vốn đăng ký mới Trung Quốc tăng 450%, quá sớm để đưa nhận định
5 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2018. Vốn Trung Quốc cũng tăng, đạt 2 tỷ USD ở tất cả hợp phần mà riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ 2018.
Tính đến hết tháng 5, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về vốn FDI đăng ký mới. Năm 2019 lần đầu tiên ghi nhận vốn FDI đăng ký cấp mới từ Trung Quốc vươn lên dẫn đầu. Dù thế, trong tháng 5 vừa qua, Hàn Quốc đã vượt nước này về lượng vốn đăng ký mới vào Việt Nam. Hàn Quốc "rót" vào 357 triệu USD, trong khi Trung Quốc là 247 triệu USD.
Đã có ý kiến cho rằng sự dịch chuyển của dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam đến từ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, lại nêu quan điểm về dài hạn chờ đợi nhiều thông tin hơn nữa về cuộc đối đầu để khẳng định vốn FDI vào Việt Nam, kể cả vốn từ Trung Quốc tăng lên do căng thẳng mại Mỹ - Trung.
Dù cuộc chiến thương này đang mở ra khả năng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp từ Trung Quốc vào Việt Nam, ông Thắng cho rằng cần phải chờ đợi những thông tin rõ ràng hơn về cuộc đối đầu giữa 2 quốc gia này.
Theo ông Thắng, gần nhất phải hết năm nay mới có đủ căn cứ để đánh giá các số liệu dịch chuyển vốn.
Theo ông Thắng, nhà đầu tư cũng không thể quyết định quá gấp cho việc chuyển hướng đầu tư. Hiện nay, họ vẫn trong giai đoạn nghe ngóng. Bởi căng thẳng Mỹ - Trung sẽ khiến cả 2 nền kinh tế thiệt hại, cả 2 bên sẽ cùng phải giải quyết vấn đề này.
"Chỉ trong trường hợp kéo quá dài và không giải quyết được xung đột thương mại, lúc ấy, xu hướng dịch chuyển vốn mới có đột biến nhiều hơn", ông Thắng nhận định.
Không nên phụ thuộc vào diễn biến căng thẳng Mỹ - Trung
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR) cũng xếp dịch chuyển dòng vốn do chiến tranh thương mại là yếu tố trong ngắn hạn,cùng với việc đón đầu hiệp định CPTPP và chiến lược"Vành đai - con đường". Trong dài hạn, sự vươn lên của FDI từ Trung Quốc đến từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn ra nước ngoài của chính các doanh nghiệp của nước này.
Nếu chỉ nhận định dịch chuyển dòng vốn do chiến tranh thương mại, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)cho rằng đã đánh giá thấp vai trò của hiệp định CPTPP có hiệu lực từ ngày 14/1.
CPTPP tạo dựng cơ hội tiếp xúc thị trường tương đối quan trọng như Canada, Australia, New Zealand, Nhật Bản... Việc nhà đầu tư tìm đến Việt Nam tận dụng thị trường, từ đó hưởng lợi từ các ưu đãi CPTPP chính là một hệ quả quan trọng, đã được nhìn thấy trước từ khi tham gia CPTPP. Nói cách khác, kể cả không có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn cũng sẽ chuyển một phần sang Việt Nam khi CPTPP được đưa vào thực hiện.
Theo ông Dương, duy trì cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh và lựa chọn dự án đầu tư có chất lượng vẫn có ý nghĩa quan trọng, không nên phụ thuộc vào diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Tiếp tục theo dõi dòng vốn Trung Quốc TS Nguyễn Đức Thành cho rằng cần tiếp tục theo dõi dòng vốn từ Trung Quốc và có sự lựa chọn các dự án FDI có chất lượng, đảm bảo các yếu tố về môi trường. Hai trong số 7 dự án FDI lớn nhất từ đầu năm tới nay thuộc về nhà đầu tư Trung Quốc để chế tạo lốp xe Radian toàn thép và sản xuất lốp cao su. Các dự án lớn của nước này tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất như cơ khí, săm lốp, dệt nhuộm... Hiện nay, bình quân mỗi dự án FDI mới từ Trung Quốc có vốn khoảng 6,7 triệu USD. Trong khi đó, vốn bình quân dự án nhà đầu tư ở vị trí số 2 - Hàn Quốc là 2,6 triệu USD. Bên cạnh việc rót vốn thông qua hình thức đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp, vốn Trung Quốc phần nhiều vào Việt Nam thông qua cho vay các dự án hạ tầng, giao thông... |