Nam Định muốn làm đường bộ ven biển 2.800 tỷ đồng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi 5 bộ ngành liên quan xin ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định.
Dự án này đã được UBND tỉnh Nam Định lần thứ hai đề nghị Bộ KH-ĐT thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư hồi tháng 4/2018.
Theo đó, dự án có tổng chiều dài khoảng 65,8 km, được đầu tư theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng, trong đó đầu tư làm mới khoảng 38,43 km; cải tạo, nâng cấp khoảng 13,09 km. Chiều dài tuyến tận dụng hoặc đi trùng dự án khác là 14,28 km. Điểm đầu tại Km0 đê hữu sông Hồng, đê biển Giao Thủy, xóm 29, xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và kết thúc tại Km65 tại bờ tả sông Đáy, đê biển Nghĩa Hưu, xóm Ngọc Hùng, xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Tổng mức đầu tư dự án là 2.791 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng; bao gồm 1.000 tỷ đồng đã được thông báo tại văn bản số 4240/BKHĐT-TH ngày 25/5/2017 và 1.000 tỷ đồng được điều chuyển từ Dự án xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình. Phần còn lại huy động từ ngân sách tỉnh Nam Định và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện từ năm 2019 đến năm 2024.
Ngoài việc một số đoạn được cải tạo, nâng cấp trên nền cũ và là tuyến độc đạo, UBND tỉnh Nam Định không muốn tiếp tục đầu tư theo hình thức BOT là do tuyến có quá nhiều điểm giao cắt cùng mức gây khó khăn trong việc thu phí hoàn vốn cho các nhà đầu tư. Phương án đầu tư này được cho là tiết kiệm hơn so với phương án đầu tư BOT được UBND tỉnh Nam Định trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2017 gần 800 tỷ đồng.
Theo GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội, hiện tại Nam Định đang có hệ thống giao thông kết nối khá đồng bộ. Những kết nối giữa Nam Định - Thái Bình - Ninh Bình đều đã có hệ thống giao thông khá hoàn thiện. Vấn đề của Nam Định bây giờ là phải đánh giá được toàn diện khả năng kết nối giữa các tuyến đường, giữa các hệ thống hạ tầng giao thông để đầu tư cho có hiệu quả nhất. Không phải tư duy cứ có biển thì phải đầu tư đường ven biển.
Hiện nay, Nam Định kỳ vọng khi hoàn thành dự án sẽ nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của vùng kinh tế biển Nam Định.
Có thể bạn quan tâm