“Thâu tóm” thành công 38% vốn, VNM nắm quyền phủ quyết tại GTN
Sau giao dịch, VNM nắm giữ gần 95.9 triệu cp GTN, tương ứng 38.34% tỷ lệ sở hữu và đã đủ cổ phần để có quyền phủ quyết tại GTN.
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk -HoSE: VNM) vừa thông báo đã mua hơn 90 triệu cổ phiếu CTCP GTNfoods (HoSE: GTN) trong tổng số 116,7 triệu cổ phiếu đăng ký chào mua công khai.
Sau giao dịch, VNM nắm giữ gần 95.9 triệu cp GTN, tương ứng 38.34% tỷ lệ sở hữu và đã đủ cổ phần để có quyền phủ quyết tại GTN thậm chí có thể cử người vào HĐQT của doanh nghiệp này. Trước đợt chào mua công khai, VNM đã sở hữu gần 5.8 triệu cp GTN, tương đương tỷ lệ sở hữu 2.32%.
Sau diễn biến này, có lẽ cổ đông GTN lẫn VNM đều sẽ nín thở chờ xem những diễn biến tiếp theo tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 của GTN. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để tham dự Đai hội của GTN là ngày 12/06/2019.
Trên thị trường, có 2 tổ chức đăng ký bán cổ phần GTN trong cùng đợt chào mua công khai của Vinamilk. Đó là PENM IV Germany GmbH & Co. KG đã bán 15 triệu cổ phiếu, tương đương với 6% vốn GTN.
Ngoài ra, quỹ ngoại Tael Two Partners Ltd cũng đăng ký bán toàn bộ 55 triệu cổ phiếu, tương đương 22% vốn GTN. Quỹ ngoại này cũng đăng ký bán trong đợt chào mua công khai cổ phiếu của Vinamilk.
Các cổ đông lớn còn lại chưa có động thái là CTCP INVEST Tây Đại Dương (nắm giữ 28% vốn), Chứng khoán HSC (8%), CTCP Đầu tư BZZ (7%) và ông Nghiêm Văn Tùng (5%).
Tính đến thời điểm hiện tại, phía Ban lãnh đạo GTN chưa hề tỏ ra đồng thuận trước động thái “thâu tóm” từ VNM. Trong bản công bố thông tin của GTN phản hồi lại đề nghị chào mua công khai hồi tháng 3/2019, HĐQT GTN cho biết chỉ nhận được hồ sơ đăng ký chào mua nhưng không nhận được bất kỳ thông tin nào trao đổi thêm về định hướng, chiến lược, phương án hợp tác từ VNM; do đó mà HĐQT GTN không đủ cơ sở đưa ra ý kiến đồng ý với phương án chào mua.
Còn lại, tại Đại hội thường niên 2019 của VNM, Tổng Giám đốc VNM - bà Mai Kiều Liên cũng có chia sẻ về thương vụ này. Theo bà Liên, HĐQT GTN có 3/6 người không đồng ý. Còn VNM muốn tham gia vào GTN để cùng mạnh lên. “Chúng tôi đã ngồi lại và nói rõ mục đích của nhau và hiểu nhau chứ không phải chỉ nghe từ phía ngoài thế này thế kia. Nói rõ để cổ đông GTN hiểu, tôi không làm gì để hại bạn mà lợi mình cả, đó là nguyên tắc của VNM mấy chục năm nay.”
Động thái mua cổ phiếu GTN được giới phân tích cho là sẽ giúp Vinamilk tìm lời giải đáp cho bài toán tăng trưởng dài hạn. Theo BVSC, Vinamilk đã đứng đầu ngành với thị phần nói chung lên đến 60% nên việc duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn trước đây là điều rất khó. Do đó, Vinamilk đã và sẽ tiếp tục cân nhắc các giải pháp về M&A và xuất khẩu để hỗ trợ tăng trưởng. Việc chào mua công khai GTN được xem là những bước đầu trong việc tiếp tục củng cố vị thế của Vinamilk tại thị trường trong nước.
GTNfoods là công ty sở hữu 74,5% vốn tại Vilico - đơn vị nắm 51% cổ phần tại Sữa Mộc Châu. Đây được cho là một trong những lý do để Vinamilk chào mua công khai cổ phiếu GTN nhằm gián tiếp nắm giữ cổ phần sữa Mộc Châu, công ty đang nắm 23% thị phần sữa nước ở thị trường phía Bắc.
Ngoài ra, GTN còn nắm giữ đến 95% cổ phần tại Tổng công ty chè Việt Nam (Vinatea), nắm hơn 38% CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (VDL), gần 74% cổ phần Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (VLC)...
Trên sàn chứng khoán, đóng cửa phiên 4/6, cổ phiếu GTN đã tăng khá mạnh 4,8% lên mức 19.700 đồng/CP. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch sáng ngày 4/6, thị trường xuất hiện giao dịch thỏa thuận hơn 12,1 triệu cổ phiếu GTN với giá trị 226,7 tỉ đồng. Giao dịch diễn ra tại mức giá sàn 17.500 đồng/cp. Giao dịch thỏa thuận cổ phiếu GTN chiếm hơn 41% giá trị giao dịch thỏa thuận trên HoSE trong phiên sáng hôm đó.
Tính từ đầu năm đến nay, GTN đã tăng hơn 91% từ mức giá đóng cửa phiên 28/12/2018 là 10.300 đồng/CP.
Trong quý I/2019, điểm nhấn chính trong kết quả kinh doanh quý vừa rồi của VNM là doanh thu nội địa tăng trưởng trở lại (8%) so với cùng kỳ năm ngoái.