Vốn FDI thực hiện sẽ tăng khoảng 13-15% trong năm 2019?

Linh Nga 16/06/2019 11:00

Việc vốn đăng ký tăng cao sẽ mang đến cơ hội để vốn FDI thực hiện tăng tốc mạnh hơn trong thời gian tới.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài 5 tháng đầu năm 2019 đã cho thấy mức tăng trưởng cao về vốn đăng ký mới và bổ sung. Cụ thể, vốn đăng ký mới đạt 6,45 tỷ USD, tăng 26,7% về số dự án và tăng 38,7% về vốn so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bổ sung đạt 2,63 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung trong 5 tháng đầu năm đạt 9,08 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm – mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây.

Việc vốn đăng ký tăng cao sẽ mang đến cơ hội để vốn FDI thực hiện của Việt Nam tăng tốc mạnh hơn trong thời gian tới. Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng vốn FDI thực hiện sẽ tăng khoảng 13-15% trong năm 2019, đạt khoảng 22 tỷ USD.

Về cơ cấu, dòng vốn FDI đăng ký mới và bổ sung tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 7 tỷ USD, chiếm 77,2% tổng vốn đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đạt 752,1 triệu USD, chiếm 8,3%; các ngành còn lại đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 14,5%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần, trong 5 tháng qua có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7,65 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong số này đáng chú ý có thương vụ chuyển vốn vay thành vốn cổ phần tại Sabeco với giá trị 3,85 tỷ USD. Nếu loại trừ thương vụ mang tính đột biến này đi thì lượng góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 5 tháng qua còn 3,8 tỷ USD, vẫn tăng rất cao (138%) so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, có 7 dự án có quy mô vốn đăng ký từ 200 triệu USD như sau:

Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.

Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR.

Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.

Dự án nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên, tổng vốn đầu tư đăng ký 216,7 triệu USD, do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư tại Phú Yên với mục tiêu sản xuất điện mặt trời.

Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.

Dự án Vinhtex, tổng vốn đầu tư đăng ký 200 triệu USD do Royal Pagoda Private Limited (Singapore) đầu tư với mục tiêu sản xuất vải và nhuộm vải dệt kim tại Nghệ An.

Dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông) với mục tiêu thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD.

Đáng chú ý, trong số 7 dự án trên, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Hong Kong chiếm 5/7 dự án, trong đó có những dự án lắp ráp đồ điện tử rất đáng chú ý, thể hiện sự dịch chuyển sản xuất từ các nhà máy ra khỏi Trung Quốc như dự án của Goertek (hãng sản xuất tai nghe Iphone cho Apple) hay dự án của Meiko (chuyên sản xuất bản vi mạch điện tử).

Thêm vào đó, Trung Quốc cũng vươn lên vị trí số 1 (cùng kỳ năm ngoái đứng số 4), trở thành nhà đầu tư có vốn đăng ký FDI mới lớn nhất vào Việt Nam trong 5 tháng qua. Những diễn biến trên phần nào cho thấy Việt Nam đang thực sự được sự hưởng lợi ở phương diện thu hút vốn đầu tư khi xung đột thương mại Mỹ-Trung diễn ra.

Linh Nga