Cần sớm quy định đấu thầu thực hiện dự án điện mặt trời
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu thêm phương án chia 2 vùng bức xạ để tính biểu giá mua điện bên cạnh phương án chia 4 vùng như dự thảo đã công bố.
Theo thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (áp dụng từ 1/7/2019, tiếp theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg), nhiều vấn đề đã được Phó thủ tướng yêu cầu gấp rút thực hiện trong bối cảnh ngày hết hiệu lực của Quyết định 11/2017 sắp cận kề (30/6).
Đánh giá về dự thảo đã công bố và lấy ý kiến thời gian qua, Phó thủ tướng cho rằng dự thảo này đã nghiên cứu, sửa đổi cơ chế hiện tại theo xu hướng phát triển điện mặt trời ở nước ta và trên thế giới. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu nhiều vấn đề, trong đó, ngoài phương án chia cả nước thành 4 vùng bức xạ, cần nghiên cứu thêm phương án chia thành 2 vùng.
Mục đích là nhằm để khuyến khích phát triển hợp lý điện mặt trời tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế về bức xạ nhiệt, đất đai để đảm bảo hiệu quả kinh tế chung, đồng thời hài hòa phát triển các vùng để tối ưu vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, hiệu quả.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương cần có quy định về đấu thầu thực hiện các dự án điện mặt trời để sớm triển khai trong thời gian tới. Thông báo nêu rõ, ngoài phương án chia giá điện theo 4 vùng, Bộ Công thương cần nghiên cứu thêm phương án chia 2 vùng để khuyến khích phát triển hợp lý điện mặt trời tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế về bức xạ nhiệt, đất đai để đảm bảo hiệu quả kinh tế chung, đồng thời hài hòa phát triển các vùng để tối ưu vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, hiệu quả. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương phối hợp cùng Bộ Tài chính, Tập đoàn điện lực Việt Nam rà soát, thống nhất các phương án đề xuất phù hợp với điều kiện nước ta, đảm bảo hiệu quả đầu tư phát triển chung, không làm phát sinh những hệ lụy trong quá trình thực hiện.
Theo dự thảo về cơ chế khuyến khích điện mặt trời trước đó được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, giá cho điện mặt trời sẽ không còn giá "cào bằng" 9,5 cent một kWh như hiện tại mà sẽ chia theo 4 vùng bức xạ và loại hình dự án (điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời áp mái...). Các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung sẽ có giá mua cao nhất 2.486 đồng một kWh (khoảng 10,87 cent) cho các dự án điện mặt trời mái nhà. Trong khi đó giá mua với dự án điện mặt trời mặt đất và nổi tại khu vực này lần lượt 2.102 và 2.159 đồng một kWh.
Giá thấp nhất ở khu vực các tỉnh có tiềm năng về điện mặt trời lớn như nam Trung bộ, nam Tây Nguyên. Cụ thể, mỗi kWh điện tại dự án điện mặt trời mặt đất có giá mua 1.525 đồng (6,67 cent); dự án điện mặt trời nổi là 1.566 đồng (6,85 cent) và cao nhất khu vực này là 1.877 đồng (khoảng 8,21 cent).
Tới cuối năm 2018 đã có 121 dự án được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang xếp hàng chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 13.000 MW.