Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang Nhật

Trương Khắc Trà 21/06/2019 11:00

Việc hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào Nhật Bản, thay vì qua trung gian, sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào quốc gia này.

Tập đoàn bán lẻ AEON của Nhật Bản cho biết sẽ tăng gấp đôi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam lên 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD sau đó 5 năm.

p/70% hàng Việt Nam bán trong AEON thực hiện qua đối tác trung gian là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

70% hàng Việt Nam bán trong AEON thực hiện qua đối tác trung gian là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Vượt qua khâu trung gian

Hiện nay, có tới 70% hàng hóa Việt Nam bán trong AEON được thực hiện qua đối tác trung gian là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Rào cản này làm tăng giá sản phẩm, trong khi doanh nghiệp Việt cũng bị hạn chế lợi nhuận.

Bởi vậy, việc trực tiếp buôn bán giữa AEON và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là mong muốn của đôi bên. Đặc biệt khi làm ăn với AEON, nông sản Việt có cơ hội nâng cao chất lượng để mở rộng thị phần và tìm kiếm thị trường mới.

Theo một thỏa thuận giữa AEON và Bộ Công thương Việt Nam, chúng ta có thể tận dụng kinh nghiệm sản xuất, thu hoạch và bảo quản sản phẩm đạt chuẩn chất lượng của Nhật Bản. Do đó, việc bắt tay với AEON có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi nông sản Việt Nam ở một số thị trường truyền thống bị sụt giảm đáng kể về giá trị xuất khẩu. Tính đến tháng 5/2019, nhóm các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu ước đạt 7,7 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ 2018.

Đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng

Theo đánh giá của AEON, trong số gần 3.000 nhà cung cấp cho AEON Việt Nam chỉ có khoảng từ 200-300 doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm xuất khẩu để đưa được hàng hóa vào AEON Nhật Bản.

Thực ra, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nông sản theo chuẩn Nhật Bản không quá cao siêu, chủ yếu liên quan đến mức độ an toàn, như: Giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, ngưỡng sử dụng phụ gia, chất bảo quản trong chế biến, nguồn gốc xuất xứ… Tuy nhiên, việc đảm bảo các yêu cầu này mới chỉ là bước khởi đầu, điều quan trọng hơn nữa là các doanh nghiệp phải luôn tuân thủ quy trình đảm bảo chất lượng hàng hóa được ổn định trong suốt quá trình sản xuất.

Ngoài ra, theo JETRO, bao bì cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi xuất khẩu vào Nhật Bản, nhất là đối với trái cây. Bên cạnh đó, hàng nông sản, trái cây tươi phải truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm thì mới đạt yêu cầu xuất khẩu vào Nhật mà không lo bị trả về.

Trương Khắc Trà