Cắt giảm công suất điện gió: Cần làm rõ trách nhiệm trong hợp đồng
Theo luật sư, căn cứ vào hợp đồng thương mại mua bán điện giữa 2 bên, nếu không có điều khoản "cắt điện do quá tải hệ thống" thì EVN phải chịu trách nhiệm, đền bù thiệt hại do mình đã gây ra.
Như DĐDN đã thông tin, sự bùng nổ của điện mặt trời, vượt gấp hàng chục lần so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã dẫn tới một loạt yêu cầu ép giảm tải điện gió.
Trước những bức xúc trên, Hiệp hội Điện gió Bình Thuận (BTWEA) gửi công văn đến Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phản ứng vì bị ép cắt giảm công suất phát điện. Cụ thể, trong tháng 6, cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã ép các dự án điện gió phải cùng cắt giảm công suất với tỷ lệ yêu cầu cắt giảm công suất từ 38% đến 64% và ngày nào cũng bị cắt. Và điều này đã khiến cho các doanh nghiệp điện gió rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn vì ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận…
Phân định rõ trách nhiệm trong hợp đồng
Phân tích về việc cắt giảm công suất của EVN đối với các doanh nghiệp điện gió, Luật sư Nguyễn Hải Vân – Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng: Nếu như trong các điều khoản hợp đồng thương mại mua bán điện giữa bên bán và bên mua, mà cụ thể ở đây EVN là đại diện bên mua và các doanh nghiệp điện gió là đại diện bên bán, “nếu như trong hợp đồng không có điều khoản cắt giảm do quá tải, tức không hạn chế công suất điện bán ra (đối với bên bán), nhưng EVN lại thực hiện đơn phương, tự ý cắt giảm công suất của các doanh nghiệp điện gió là vi phạm hợp đồng. Và trong trường hợp này, nếu EVN gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp điện gió thì phải bồi thường thiệt hại bằng tiền cho doanh nghiệp".
Theo Luật sư Vân, trên thực tế, sự thiếu điện quốc gia trong những năm qua được đăng đàn ở nhiều hội nghị lớn từ cấp Trung ương cho tới địa phương cho thấy: “Việc khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào lĩnh vực điện gió, thủy điện, điện mặt trời… để đảm bảo an ninh năng lượng là việc làm cần thiết và hết sức đúng đắn. Thế nhưng vì sao lại có chuyện cắt giảm công suất của các doanh nghiệp do quá tải hạ tầng lưới điện là hết sức nghịch lý, cần phải mổ xẻ nhiều vấn đề, đặc biệt là các vấn đề quản lý, quy hoạch".
Cũng theo Luật sư Vân, Việt Nam đang có thị trường phát điện cạnh tranh với sự tham gia đầy sôi động của các thành phần là doanh nghiệp tư nhân ở các loại hình năng lượng tái tạo như: điện gió, mặt trời, thủy điện… nhưng truyền tải điện vẫn độc quyền của EVN là những vấn đề phải xem xét lại. Nếu xét EVN là một doanh nghiệp nhà nước và độc quyền theo chính sách của nhà nước, thì trong trường hợp này EVN phải thực hiện tốt chính sách về truyền tải điện để làm sao đảm bảo đáp ứng được tiếp nhận nguồn điện, công suất điện do doanh nghiệp tư nhân bán ra.
Việc gây thiệt hại về kinh tế của EVN đối với doanh nghiệp sẽ được chứng minh thông qua các điều khoản hợp đồng thương mại giữa hai bên; các hợp đồng vay vốn của doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng (nếu có). Và dựa trên cơ sở lượng điện sản xuất điện bị cắt giảm, lãi suất ngân hàng, chi phí phục vụ cho sản xuất… EVN sẽ phải đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp. "Trường hợp EVN từ chối, các doanh nghiệp có thể khởi kiện ra tòa án" – Luật sư Vân nói.
Đã cảnh báo vì sao vẫn chủ quan?
Đồng quan điểm về những ý kiến trên, Luật sư Nguyễn Tiến Lực – Đoàn Luật sư TP HCM HCM, cho rằng: Quá tải hạ tầng truyền tải điện là trách nhiệm của EVN và các cơ quan chức năng làm quản lý, quy hoạch. Do đó, EVN không thể dựa vào vấn đề quá tải để cắt giảm công suất của các doanh nghiệp, bắt doanh nghiệp phải chịu các tổn thất gây ra là không thể chấp nhận.
Theo Luật sư Lực, chủ trương của Nhà nước là khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia sản xuất điện, góp phẩn giảm tải, giảm áp lực cho Nhà nước, nhưng lại khống chế công suất (tự ý cắt giảm, không có diều khoản trong hợp đồng), là vi phạm nghiêm trọng trong hợp đồng thương mại giữa 2 bên.
Cũng theo Luật sư Lực, việc quá tải hạ tầng truyền tải điện dường như đã được cảnh báo từ trước đó, nhưng vì sao các nhà hoạch định, quy hoạch không lường trước vấn đề này là hết sức chủ quan. Còn nhớ, trong bối cảnh lượng lớn dự án điện mặt trời vào quy hoạch dẫn tới nguy cơ quá tải hệ thống truyền tải, tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn xin bổ sung thêm 17 dự án điện mặt trời là một bất cập.
Có thể bạn quan tâm
Điện gió gặp nguy vì... điện mặt trời bùng nổ
11:05, 02/07/2019
Quảng Trị: Đầu tư 58 dự án điện gió
08:32, 23/06/2019
Dư địa phát triển điện gió tại Việt Nam còn rất lớn
00:00, 13/06/2019
Thái Bình đánh thức tiềm năng điện gió
09:13, 17/05/2019
Phát điện thương mại Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2
14:09, 22/06/2019
Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 chính thức vận hành thương mại (COD)
10:51, 26/06/2019
Đáng chú ý, trước những đề xuất của Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt lại ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến kiến nghị của Bộ Công thương xin bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch, theo đó yêu cầu xem xét việc thẩm định, phê duyệt bổ sung các dự án được nêu theo đúng quy định.
Cụ thể, các dự án điện mặt trời được Bộ Công thương đề xuất như: Dự án Phước Trung (Ninh Thuận) có quy mô công suất 50 MWp; Dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 (Long An); Dự án điện mặt trời An Cư (An Giang) với công suất 50 MWp; Dự án điện mặt trời Phong Hòa (Thừa Thiên Huế) công suất 50 MWp; Dự án điện mặt trời Ia Rsươm - Bitexco - Tô Na (Gia Lai) công suất 14,8 MWp….
Như vậy, rõ ràng việc xin bổ sung các dự án điện mặt trời trong bối cảnh hàng loạt các dự án điện mặt trời được phê duyệt đã vượt quy hoạch điện VII (bổ sung). Và chính vì vấn đề này đã gây nên tình trạng quá tải hệ thống lưới điện truyền tải. Và quả thực, điều này đã xảy ra, các doanh nghiệp điện gió đã gặp “nguy” vì: “Bị cắt giảm cắt giảm công suất từ 38% đến 64%, tức là không được phát điện lên hệ thống”. Rủy ro này do các cơ quan quản lý gây ra, nhưng trên thực tế thì doanh nghiệp lại phải gánh chịu là thiếu công bằng – Luật sư Lực nói.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chỉ trong vòng chưa đến một năm sau khi Thông tư số 16 ngày 12/9/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời có hiệu lực, EVN đã ký 54 hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư với tổng công suất gần 3000 MW, vượt mục tiêu của của Tổng sơ đồ VII hiệu chỉnh (850MW trước 2020). Theo Bộ Công Thương, tổng công suất đăng ký đầu tư loại hình này đã lên tới 26.000 MW, chiếm khoảng 60% tổng công suất các nguồn điện cả nước (hơn 47.000 MW). Như vậy, tổng công suất các dự án điện mặt trời đã vượt xa Quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong đó định hướng tới 2020 công suất điện mặt trời 850 MW và tăng lên 4.000 MW sau đó 5 năm. Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có 800 MW - 850 MW điện mặt trời. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 11 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại VN, theo đó giá mua điện mặt trời là 9,35 US cent/kWh, có thời hạn đến 30/6/2019. Quyết định số 37 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại VN, theo đó, đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện 8,5 US cent/kWh. Đối với các dự án điện gió trên biển 9,8 US cent/kWh. |