Lần đầu tiên có dự án “triệu USD” về xử lý chất thải rắn theo hình thức PPP

Hương Giang - Minh Ngọc 05/07/2019 05:09

Hình thức PPP được nhắc nhiều trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị… Song, trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn có vẻ như khá mới lạ.

Bà Thúy

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang phát biểu

UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn, cụm Long Xuyên, An Giang theo hình thức đối tác công tư PPP, tại văn bản số 1389/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang ký ngày 7/6/2019.

Cụ thể, nhà đầu tư được lựa chọn đầu tư theo hình thức PPP là Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại và Đầu tư Huy Ngọc Hưng; Địa điểm thực hiện đầu tư xây dựng dự án thuộc xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Đây là dự án đầu tiên trong cả nước trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn theo hình thức đối tác công tư PPP (Hợp đồng BLT: Xây dựng – Thuê dịch vụ - Chuyển giao). Quy mô dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 229.440 triệu đồng với công suất 300 tấn/ngày đêm; Diện tích sử dụng cho dự án gần 80.000 m2; Giá dịch vụ khoảng 379.000 đồng/tấn. Thời gian thực hiện hợp đồng dự án dự kiến là 24 năm tính từ ngày đưa công trình vào vận hành (không tính thời gian xây dựng).

Dự án được đánh giá là có công nghệ phù hợp với rác thải rắn sinh hoạt của Việt Nam, có giá rẻ nhất so với các nhà máy đã đầu tư trước đó. 

Trao đổi với DĐDN về dự án xử lý rác thải đầu tiên theo hình thức PPP, bà Nguyễn Thị Minh Thúy – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang, cho biết: Nếu như trước đây và ở tại nhiều diễn đàn từ cấp Trung ương tới địa phương, chúng ta thường nghe và bàn đến vấn đề đầu tư theo hình thức BT, BOT, đặc biệt mới đây nhất là PPP, nhưng đa số các loại hình trên thường được nhắm tới các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, phát triển đô thị… nhưng nay lại xuất hiện PPP trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn, và có vẻ như khá mới mẻ. Bởi lẽ, trên thực tế chưa có nhà đầu tư nào trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung đầu tư theo phương thức này, đặc biệt là trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Và trong dự án này, Sở Xây dựng tỉnh An Giang là đại diện cho Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang làm chủ đầu tư, lập dự án đầu tư, đề xuất dự án, lựa chọn công nghệ và quyết định hình thức đầu tư.

Về tiêu chí, các nhà thầu tham gia đấu thầu dự án, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí về tài chính, năng lực kinh nghiệm….còn phải đáp ứng yêu cầu về công nghệ, tổng mức chi phí đầu tư dự án, giá dịch vụ xử lý rác… không vượt mức quy định hiện hành.

Qua đấu thầu vòng sơ tuyển có 4 nhà thầu tham gia, trong đó, có cả các nhà thầu nước ngoài. Trong quá trình xem xét, đánh giá, Công ty CP Xây dựng Thương Mại & Đầu tư Huy Ngọc Hưng đạt số điểm cao nhất vì đáp ứng được các điều kiện nói trên. Đây là nhà thầu duy nhất được lựa chọn ở vòng sơ tuyển nên Công ty CP Xây dựng Thương Mại & Đầu tư Huy Ngọc Hưng được UBND tỉnh An Giang, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình “xử lý chất thải rắn, cụm Long Xuyên, An Giang theo hình thức đối tác công tư PPP, tại văn bản số 1389/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang ký ngày 7/6/2019.

Cũng theo bà Thúy, do điều kiện nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp nên An Giang đã kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Hiện nay, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với doanh nghiệp đàm phán, thương thảo các vấn đề liên quan tới thủ tục đầu tư, pháp lý… trên cơ sở đó sẽ tiến hành làm hợp đồng, ký kết với doanh nghiệp để triển khai nhanh dự án.

Ngoài dự án trên, An Giang còn 2 dự án cũng trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc huyện Phú tân và TP Châu Đốc. Cả 2 dự án này cũng sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, "tuy nhiên, do đây là hình thức đầu tư mới cho nên tỉnh sẽ nghiên cứu kỹ, lấy kinh nghiệm từ dự án này để triển khai các dự án tiếp theo" – bà Thúy nói.

“Lần đầu tiên có dự án “triệu USD” về xử lý chất thải rắn theo hình thức PPP”!

“Dự án “triệu USD” về xử lý chất thải rắn theo hình thức PPP” được UBND tỉnh An Giang phê duyệt tại Quyết định số 1389/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang ký ngày 7/6/2019.

Liên quan đến vấn đề công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), ông Huỳnh Minh Tấn – Chủ tịch HĐQT Công ty Huy Ngọc Hưng, chia sẻ: Có thể nói, đây là dự án đầu tiên của An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung về xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Lúc đầu chúng tôi rất đắn đo về loại hình này. Tuy nhiên, xuất phát từ những chia sẻ của địa phương trong vấn đề hạn hẹp nguồn ngân sách, bên cạnh đó là “những bức xúc của xã hội liên quan tới công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt”.

Với những lý do trên, chúng tôi đã quyết tâm nghiên cứu, tìm hiểu những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, sàng lọc kỹ lưỡng để tìm ra phương án nào tốt nhất cho vấn đề xử lý chất thải rắn ở Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng.

Cũng theo ông Tấn, câu chuyện về xử lý rác thải của Việt Nam trong thời gian qua đã khiến các cơ quan chức năng từng phải đau đầu, nghiên cứu để tìm ra phương án xử lý triệt để và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, để xử lý triệt để rác thải của Việt Nam là rất khó và khá nan giải. Bởi, nếu chỉ tính riêng vấn đề thu gom rác thải từ đầu nguồn như: Từ các hộ gia đình, nhà máy… công đoạn phân loại rác đã khá phức tạp và tốn kém, nhưng đổi lại vẫn không thể xử lý triệt để được vấn đề này.

Thực tế, hầu hết các nhà máy xử lý chất thải rắn tại Việt Nam, đều không có bất cứ một công nghệ nào phân loại được rác thải rắn sinh hoạt, đa số vẫn là thủ công (con người), và các nhà máy chỉ dừng lại ở việt đốt và chôn lấp. Trong khi, diện tích đất để cấp cho các nhà máy này lại quá lớn, bên cạnh đó là những mùi hôi thối, tình trạng quá tải bãi chôn lấp kéo theo nhiều hệ lụy mà dư luận đã phàn ánh trong thời gian qua. Và đây chính là vấn đề lớn nhất khiến cho các nhà quản lý phải đau đầu, trăn trở.

Trước những vấn đề đó, để góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội nói chung và An Giang nói riêng, Công ty đã có một thời gian dài nghiên cứu các quy trình công nghệ xử lý rác đang sử dụng phổ biến hiện nay. Trong quá trình nghiên cứu, doanh nghiệp đã chọn ra được mô hình thích hợp nhất đối với điều kiện rác thải ở Việt Nam. Trong đó, dây chuyền công nghệ và thiết bị xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt được nghiên cứu và hoàn thiện trên cơ sở ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật của nước ngoài; Ứng dụng thực tiễn từ các dự án cấp Nhà nước mà Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới và môi trường đang chủ trì thực hiện.

Về tiêu chí, sản phẩm công nghệ này đáp ứng các yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật; phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta. 

Hiện nay, công nghệ đốt chất thải rắn (CTR) sinh hoạt chủ yếu được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, xây dựng trong nước có công suất linh hoạt phù hợp với lượng CTR cần xử lý của các đô thị, phù hợp đối với từng địa phương. Bên cạnh đó, "công nghệ đốt này còn có công dụng thu hồi nhiệt, tức là khi công suất xử lý rác thải đạt mức 500 tấn/ngày, chúng tôi sẽ lắp thêm hệ thống phát điện để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy, giảm giá dịch vụ xử lý" – ông Tấn cho biết.

Hương Giang - Minh Ngọc