Người dân “vắng bóng” trong đầu tư PPP?
Xã hội văn minh và phát triển ở trình độ cao là ở đó thệ hiện sự tự quản rộng lớn của người dân.
Đây là nội dung kỳ vọng được thể chế hóa trong dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được xây dựng.Gần hết phiên thảo luận đầu tiên ở Hội thảo phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, TS Phạm Duy Nghĩa nói như “thốt” lên: “Còn một đối tượng nữa trong các dự án PPP mà chưa ai đề cập đến!”.
Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Quan điểm xây dựng Dự thảo Luật là nhằm tạo ra một khuôn khổ đảm bảo hoạt động hợp tác công tư sẽ được diễn ra minh bạch, công bằng; đảm bảo vai trò giám sát tài sản công của Nhà nước nhưng cũng tôn trọng đầy đủ các quyền lợi của nhà đầu tư tư nhân trong mối quan hệ đối tác. Hiện Dự thảo đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch Đầu tư để lấy ý kiến góp ý. Việc ban hành Luật PPP sẽ giúp tăng niềm tin và thu hút nhiều nguồn lực của xã hội vào các dịch vụ công, trong đó có việc phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước. IM Byung Woo – Công ty Luật KIM & & CHANG: Điều khoản bảo lãnh tối thiểu sẽ giúp doanh nghiệp Hàn Quốc yên tâm khi đầu tư vào các dự án PPP tại Việt Nam. Ví dụ dự án đường cao tốc Hà Nội –Hải Phòng là dự án PPP với doanh thu hàng năm khoảng 40 triệu USD. Nhưng nhiều sử dụng dịch vụ thường không biết về điều này và họ thường phàn nàn rằng mức phí mà chủ đầu tư đang thu ở thời điểm hiện tại là quá cao. Trong trường hợp này, khi không may rủi ro xảy ra, bảo lãnh của nhà nước đóng vai trò rất quan trọng giúp nhà đầu tư yên tâm. |
Người dân ở đâu?
Đối tượng mà TS Nghĩa đề cập chính là người dân, thậm chí cả những công dân ngay khi vừa được sinh ra đã phải gánh nợ. Và công dân, theo nguyên lý chung, sẽ phải là một trong các bên liên quan trong bất kể một hợp đồng PPP nào. Bởi theo nguyên tắc về tài sản công, tài chính công, thì những dự án PPP đều sử dụng tài sản công, mà cụ thể ở Việt Nam, là đất đai. Ấy là chưa kể rất có thể những gì mà một nhà đầu tư dự án PPP bỏ ra có thể cũng dính dáng tới chữ “công”.
Bởi vậy, như một nguyên lý phổ quát, những dự án PPP sẽ phải chịu sự chi phối, tác động của ba chủ thể: Nhà nước, Nhà đầu tư và người dân trong phạm vi ảnh hưởng. Xét tổng thể, những nhân tố tác động đến các dự án PPP là hết sức đa dạng. Bởi ngay như nội hàm của Nhà nước trong các dự án PPP cũng đã khá phức tạp. Nó có thể là các bộ, ngành, có thể là chính quyền địa phương. Phía nhà đầu tư thì cũng có thể là các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài và cả những doanh nghiệp cổ phần trong và ngoài nước hợp thành.
Nhưng một nhân tố mà lẽ ra ý kiến của họ cần phải được ghi nhận và thể hiện trong các hợp đồng PPP là người dân bị ảnh hưởng lại vắng bóng. Điều dễ nhận thấy là thực tế trước đây, các hợp đồng PPP, cụ thể là các hợp đồng trong các dự án BT, BOT thường đóng dấu mật hoặc có những điều khoản bảo mật. Người dân không biết gì cho đến khi những bất cập vỡ lở. Cơ chế đại diện cho người dân là HĐND các cấp cũng có thể bị lu mờ khi các điều khoản bảo mật hoặc các dấu mật bất chấp nguyên tắc được đóng vào các hợp đồng PPP mà lẽ ra phải công khai.
Khi người dân phản đối trạm thu phí là vì lợi ích của chính mình, còn dựng lán, trại kiểm đếm xe giám sát việc thu phí là vì lợi ích công, tức phục vụ Nhà nước.
Vụ việc điển hình cho sự mất lòng tin vào các con số mà cả cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư cung cấp, vào cuối tháng 2/2019, người dân đã tự dựng lán trại, cử người ngồi kiểm đếm lượt xe tại BOT Ninh Lộc quốc lộ 1, thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa. Trong khi, các cơ quan nhà nước như Bộ GTVT vẫn đang loay hoay và lúng túng tìm giải pháp giám sát sự minh bạch và trung thực trong thu phí đường BOT, thì người dân phải trực tiếp vào cuộc. Bởi vì, họ e ngại các khoản tiền do chính mình bỏ ra để nộp phí đường sẽ có thể bị chiếm đoạt một cách bất minh. Họ không chỉ trích hay trông đợi ở các cơ quan chức năng nữa mà tự ý hành động.
Khó lý giải nội dung mật
Mới đây, khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ KH&ĐT nói rằng: Luật Đầu tư theo hình thức PPP sẽ có các quy định về bảo mật. Những quy định này là để “điển chế hóa” các quy định đã được Bộ này hướng dẫn trong các thông tư, nghị định được ban hành từ 2016 đến nay về PPP.
Theo đó, những quy định về bảo mật trong các hợp đồng PPP sẽ phải chịu chế tài về công khai dự án. Chẳng hạn Luật này sẽ quy định công bố dự án PPP trên mạng đấu thầu quốc gia và trên nhiều phương tiện thông tin khác. Những thông tin sau khi ký hợp đồng, các nội dung quan trọng, cơ bản sẽ được công khai, tương tự như công bố thông tin về nhà đầu tư và các nội dung cơ bản như mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, đất, di dân… cơ chế xác định giá, phí, tác động đối với người dân, thời gian thu phí.
Dĩ nhiên, sẽ vẫn có những trường hợp loại trừ như các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ hay bí mật kinh doanh. Nhưng tất cả phải theo quy định của các luật chuyên ngành. “Nhà đầu tư không thể nói vấn đề đó là bí mật của tôi là được chấp nhận. Tất cả phải theo luật”, ông Trương khẳng định.
Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, ít nhất là ở năm 2021 khi Luật PPP có hiệu lực nếu được Quốc hội thông qua vào năm 2020. Còn hiện tại, những lùm xùm ở các dự án BOT, đặc biệt là BOT giao thông vẫn không hẳn là đã được giải quyết. Trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn chưa biết khi nào sẽ thu phí trở lại. Trạm thu phí BOT Hòa Lạc – Hòa Bình vẫn lình xình dù đã chốt phương án miễn giảm cho người dân. Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài vẫn chưa yên ả. Thậm chí có cả công trình BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có thể phải dừng…
Những rủi ro ấy có thể sẽ là một trong những lực cản khiến cho các dự án PPP không dễ tiến hành sau này. Trong khi đó, một dự án lớn như đường cao tốc Bắc – Nam vẫn đang hy vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia. Nhưng cũng có thể, những rủi ro ấy đặt ra một câu hỏi rằng: nếu các dự án BT, BOT giao thông không êm đềm trước đây được công khai, minh bạch, tránh những nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, được thảo luận công khai, có sự tham gia ý kiến của người dân, chuyên gia… thì các rủi ro hiện nay có nảy sinh hay không? Chắc không khó để có câu trả lời. Thậm chí còn có thể đoán định ngay rằng: tài sản công là đất đai cũng không bị bòn rút, lãng phí và gây ra những bức xúc không cần thiết như hiện nay.
Bởi vậy phải nói ngay rằng: cách phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng PPP không chỉ trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng tốt nhất chính là công khai, minh bạch. Vì nguyên lý tự nhiên là: những gì bất minh thường mang lại bất lợi. Đáng tiếc, nguyên lý này đã không được tuân thủ trong đàm phán, triển khai các dự án PPP trước đây để giờ này nỗi lo “mất bò mới lo làm chuồng” vẫn hiện hữu.