Dự thảo Luật PPP những điểm nhà đầu tư cần lưu ý
Áp dụng hạn mức đầu tư tối thiểu là cần thiết bởi lẽ hợp đồng PPP thường là hợp đồng mang tính dài hạn, đòi hỏi sự cam kết của Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức Đối tác công tư (Dự thảo Luật PPP). Có thể thấy, cơ chế pháp lý hiện hành áp dụng cho phương thức đối tác công tư (PPP) chỉ được bao hàm trong luật, nghị định và những văn bản pháp luật liên quan.
Dự thảo Luật PPP được soạn thảo nhằm mục đích củng cố khuôn khổ pháp lý áp dụng đối với những dự án thuộc loại hình này. Theo đó, dự thảo đã đưa ra những quy định theo hướng làm rõ vấn đề còn vướng mắc trong quy định của pháp luật hiện hành đồng thời, đề xuất những thay đổi nhằm khuyến khích hơn nữa việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong một số lĩnh vực trọng tâm.
Dự thảo dự kiến cho phép thực hiện đầu tư theo hình thức PPP trong những lĩnh vực sau: Công trình hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, cảng biển; Nhà máy điện, công trình chiếu sáng công cộng; Hệ thống hạ tầng: cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải, chất thải; xử lý chất thải; Công trình hạ tầng khu đô thị; công viên; Trụ sở cơ quan nhà nước; nhà ở công vụ; Công trình hạ tầng y tế; giáo dục, đào tạo, dạy nghề; văn hóa; thể thao; du lịch; Công trình hạ tầng viễn thông; ứng dụng công nghệ thông tin; Công trình hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; Công trình hạ tầng thương mại; Hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; Công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; Các lĩnh vực khác liên quan đến thu hút tư nhân để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Ngoài ra, Dự thảo Luật PPP đã loại trừ những dự án có thể gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, như các nhà máy điện hạt nhân và các dự án sử dụng đất trong công viên quốc gia, khu bảo tồn, rừng bảo vệ đầu nguồn hoặc có khả năng xâm lấn vào cát hoặc biển.
Liên quan đến nội dung quy mô vốn đầu tư tối thiểu và tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án PPP, theo Dự thảo Luật PPP, vốn đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng (tương đương 880 triệu USD). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để có thể lựa chọn được những dự án xứng đáng thực hiện đầu tư theo mô hình đối tác công tư, việc áp dụng hạn mức đầu tư tối thiểu là cần thiết bởi lẽ hợp đồng PPP thường là hợp đồng mang tính dài hạn, đòi hỏi sự cam kết của Chính phủ. Mặt khác, việc áp dụng một hạn mức đầu tư tối thiểu sẽ có thể làm giảm thiểu tình trạng đầu tư không hiệu quả ở nhóm dự án PPP.
Bên cạnh đó, các dự án PPP sẽ được phân loại quy mô dự án gắn với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cụ thể như sau: Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 20.000 tỷ đồng (tương đương với 880 triệu USD) trở lên. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án sau đây: Dự án có tổng mức đầu tư từ 4.500 tỷ đồng (tương đương với 194 triệu USD) trở lên hoặc dự án có tổng mức đầu tư dưới 4.500 tỷ đồng nhưng sử dụng vốn đầu tư công bố trí từ ngân sách trung ương từ 1.500 tỷ đồng (tương đương 65 triệu USD) trở lên.
Ngoài những dự án nêu trên, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình,
Tùy theo quy mô và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dự thảo Luật PPP cũng quy định về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án PPP. Cụ thể, đối với dự án do Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án;
Đối với dự án do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự án.
Liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp dự án, so với định nghĩa tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trước đây, thuật ngữ “doanh nghiệp dự án” đã được định nghĩa một cách hẹp hơn nhằm ngăn chặn việc các doanh nghiệp dự án thực hiện các hoạt động kinh doanh khác ngoài dự án PPP.
Theo định nghĩa này, doanh nghiệp dự án sẽ chỉ được thành lập với mục đích duy nhất là để ký kết và thực hiện dự án PPP. Quy định này là hoàn toàn phù hợp với văn bản số 1979/BKHĐT-QLĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 29/03/2019. Điều này một lần nữa nhấn mạnh sự quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dự án và nghiên cấm triệt để việc những doanh nghiệp này tiến hành thực hiện bất cứ hoạt động kinh doanh nào khác.
Về bảo lãnh doanh thu tối thiểu, theo dự thảo Luật PPP, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét cấp bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, lên tới 75% giá trị doanh thu dự kiến trong hợp đồng dự án trong năm năm đầu vận hành công trình dự án và 65% trong năm năm tiếp theo.
Tuy nhiên, trong trường hợp nhà đầu tư đạt mức doanh thu thực tế vượt quá 125% giá trị doanh thu dự kiến trong vòng năm năm đầu tiên, hoặc vượt quá 135% trong năm năm tiếp theo, nhà đầu tư phải nộp lại phần vượt quá cho Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dự thảo Luật vẫn chưa đưa ra quy định một cách rõ ràang về cách hạch toán và tính toán các khoản thu này.