Thêm nhiều "ông lớn" công nghệ chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam
Hai hãng công nghệ lớn của Nhật là Sharp và Kyocera vừa tuyên bố đã hủy kế hoạch sản xuất LCD, laptop, máy photocopy... tại Trung Quốc và sẽ xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Tờ Nikkei Asian Review đưa tin, Kyocera - công ty chuyên sản xuất các sản phẩm gốm và đồ điện tử, sẽ chuyển nhà máy sản xuất máy photocopy và máy in đa chức năng phục vụ thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam" - Chủ tịch Kyocera, ông Hideo Tanimoto nói với các phóng viên "hiện máy in “tất cả trong một” sản xuất ở Trung Quốc chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ, nhưng máy in sản xuất ở Việt Nam thường được xuất đi châu Âu".
Quyết định của Kyocera được đưa ra sau nhiều tháng cân nhắc và được thông báo sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp đợt thuế thứ tư với hàng Trung Quốc. Máy in đa năng cũng nằm trong số hàng Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD phải chịu mức tăng thuế 10% từ ngày 1/9.
Việc dịch chuyển sản xuất của Kyocera sẽ được thực hiện trong năm tài khóa hiện hành (kết thúc vào tháng 3/2020). Việc này sẽ cần thời gian để điều chỉnh việc mua nguyên liệu và các hoạt động khác. Chi phí cho việc di dời nhà máy này có thể lên đến hàng tỷ Yen (1 tỷ Yen = 220 tỷ VND).
Doanh thu năm tài khóa trước đó của Kyocera vào khoảng 375 tỷ yên, trong đó khoảng 20% đến từ thị trường Mỹ.
Ông Tanimoto cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với nền kinh tế Trung Quốc. "Tác động của suy thoái kinh tế của Trung Quốc sẽ lớn hơn so với thuế quan bổ sung. Nếu vòng trừng phạt thứ tư đối với Trung Quốc được thực thi, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng" - ông Tanimoto nói.
Trước đó, hãng Sharp cũng vừa tuyên bố chuyển nhà máy sản xuất LCD, laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thông báo này của Sharp được đưa ra vào hôm 1/8. Đây là một động thái được cho là để tránh thuế quan của Hoa Kỳ. Bởi từ ngày 1/9, màn hình LCD sẽ vào danh sách các loại hàng hóa chịu ảnh hưởng.
Theo tuyên bố của Sharp, họ đã loại bỏ các kế hoạch sản xuất màn hình cho thị trường Mỹ ở Trung Quốc và thay vào đó là việc xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam để tránh các mức thuế mới được áp đặt trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhà máy của Sharp ở Việt Nam này sẽ lắp ráp màn hình tinh thể lỏng (LCD) cho ô tô sẽ được bán ở Mỹ, một số đơn vị sản xuất máy tính cá nhân của thương hiệu con Dynabook cũng có thể chuyển sang cơ sở mới này.
Một công ty Nhật Bản khác, Nintendo đã đẩy mạnh việc chuyển đổi sản xuất thiết bị trò chơi điện tử Switch từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo hãng nghiên cứu chuỗi cung ứng Panjiva.
Theo CNN, nhiều hãng công nghệ khác cũng có kế hoạch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Một số công ty Mỹ đang hoặc chuẩn bị chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc để tránh thuế cao, nhưng thay vì chuyển về Mỹ, họ lại dời sang các nền kinh tế châu Á khác. Còn New York Times thì nhận định: Apple đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, để mắt tới Việt Nam và Ấn Độ.
Foxconn gần đây nói rằng, hãng có năng lực chuyển sản xuất tất cả iPhone Mỹ khỏi Trung Quốc. Ngoài đích đến Việt Nam và Ấn Độ, có thể Foxconn cũng cân nhắc Mexico, Indonesia và Malaysia. Tháng 1/2019, Foxconn thông báo đã thuê đất ở Việt Nam và rót 200 triệu USD vào một công ty con ở Ấn Độ.