Cẩn trọng vốn FDI Trung Quốc
Dù có phần tích cực nhưng FDI từ Trung Quốc đang được cảnh báo gây ra những hệ luỵ cho nền kinh tế, dù rằng hiện tượng này không phải là bất ngờ.
Tính đến hết tháng 7 năm nay, FDI từ Trung Quốc và các vùng lãnh thổ liên quan đổ vào Việt Nam lên tới 3,1 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên số vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc đã chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới tại thị trường Việt Nam thời gian qua, gấp 2 lần so với các nhà đầu tư Hàn Quốc, và gấp 3 lần vốn từ Nhật Bản.
Có thể bạn quan tâm
Đằng sau sự chuyển dịch của dòng FDI Trung Quốc vào Việt Nam
15:02, 21/04/2019
Vốn FDI Trung Quốc tăng đột biến: Lo ngại công nghệ lạc hậu “té nước theo mưa”?
07:42, 12/04/2017
Thấy gì từ con số vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam tăng 450%?
05:31, 27/05/2019
Áp lực lên doanh nghiệp nội
Theo Đại diện Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê), trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang kéo dài, Tổng cục Thống kê đã theo dõi hai luồng vốn đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông và đánh giá đây là sự đột biến trong thu hút từ hai luồng vốn này.
Cụ thể, trong thời gian qua, giữa lúc Mỹ đang áp đặt mức thuế đánh mạnh vào nhiều mặt hàng của Trung Quốc thì xuất hiện một số doanh nghiệp Trung Quốc chuyển vốn đầu tư sang Việt Nam để lẩn tránh thuế, "tẩy" nguồn gốc xuất xứ, xuất hàng ngược lại Mỹ và một số nước khác.
Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tập trung vào 6 doanh nghiệp lớn có biểu hiện nghi vấn. Những doanh nghiệp này có kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu từ Trung Quốc để xuất đi Mỹ và một số nước tăng đột biến trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Trong đó, nổi lên là các mặt hàng gỗ ván ép với kim ngạch có doanh nghiệp lên tới 200 tỷ đồng trong năm 2018.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định các doanh nghiệp này sử dụng hợp đồng mua bán ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả nhằm chứng minh nguyên liệu gỗ được sản xuất tại Việt Nam; sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng mua keo, bạch đàn, bột mì cho nhiều tờ khai quay vòng hóa đơn để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O). Tổng lượng keo, bột mì trong tờ khai vượt quá số lượng trong hóa đơn giá trị gia tăng.
Nhiều doanh nghiệp Việt liên tục nhận được những liên hệ từ phía nhà đầu tư Trung Quốc ngỏ ý muốn tham gia cổ phần, thậm chí là mua đứt nếu doanh nghiệp bán.
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) mới đây cũng vừa đưa ra một loạt mặt hàng bị làm giả thương hiệu Việt được nhập từ Trung Quốc về Việt Nam, như: sản phẩm gia dụng, loa, âm li… Đồng thời nêu ra hàng loạt lĩnh vực như: sửa chữa máy móc thiết bị, in ấn bao bì hàng hóa… có vốn đầu tư nước ngoài nhưng lượng vốn quá nhỏ, chỉ để làm nhà xưởng, nguy cơ nhà đầu tư Trung Quốc khai đầu tư nhưng chủ yếu nhập hàng, làm thương mại và lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu sang nước khác.
Đại diện Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư cho rằng, dòng vốn FDI từ Trung Quốc có thể khiến Việt Nam trở thành “cứ điểm” hàng hóa của các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam và sau đó xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Điều này có thể vô tình làm cho Việt Nam vi phạm các cam kết về xuất xứ hàng hóa, nếu không cẩn thận có thể bị chống bán phá giá hoặc trợ giá.
Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc cũng sẽ tạo nên áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt rất nhiều các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn bị tốt, cạnh tranh không tốt thì vô hình chung các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng lợi.
Hợp tác thế nào?
Đáng nói hơn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn mua lại doanh nghiệp Việt, góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp Việt của nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam cũng lên tới 4,7 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc và các vùng lãnh thổ liên quan. Nhiều chuyên gia lo ngại việc nhà đầu tư Trung Quốc mua lại doanh nghiệp, dự án, đặc biệt dự án bất động sản tại Việt Nam tạo nhiều rủi ro lớn cho đất nước.
Trước đó, Bộ Công an, Bộ Xây dựng đã cảnh báo tình trạng người Trung Quốc mượn tay người Việt một số nơi để giao dịch đất đai. Hiện các khu vực bị nghi ngại nhất về việc người Trung Quốc đứng sau người Việt sở hữu đất đai là Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa) và Quảng Ninh...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thời gian tới, việc thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài cần đặc biệt lưu ý đến công tác chuẩn bị tiếp nhận đầu tư, cơ sở hạ tầng và các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, kiểm soát chặt các dự án đầu tư chất lượng thấp, có dấu hiệu “núp bóng” đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại...