Hãy tạo “tấm lưới an toàn” cho cao tốc Bắc-Nam (Kỳ I): Cẩn trọng “bẫy” nhà thầu Trung Quốc
Dù chưa công bố kết quả nhưng nhìn vào thành phần tham gia cho thấy tỷ lệ trúng thầu rất cao với các nhà đầu tư Trung Quốc bằng nhiều hình thức.
Cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với quy mô lớn, vốn đầu tư gần 120 ngàn tỷ đồng, giữ vai trò quan trọng phát triển giao thông và vận tải và kinh tế nên được sự quan tâm người dân cả nước.
Bài thầu sơ tuyển các nhà đầu tư được Bộ GTVT đưa ra, ngoài tính hợp lệ theo quy định, phần đánh giá năng lực tài chính được chấm điểm tối đa 60 điểm. Trong đó, giá trị tài sản ròng 30 điểm, vốn chủ sở hữu 20 điểm, khả năng thu xếp vốn vay 10 điểm, năng lực kỹ thuật chấm tối đa 40 điểm. Tối đa 5 nhà đầu tư có điểm đánh giá cao nhất tại giai đoạn sơ tuyển sẽ được lựa chọn vào giai đoạn đấu thầu tiếp theo.
Nhà thầu Trung Quốc “quây” nhiều cửa
Bài thầu sơ tuyển nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, trái chiều. Quả thật là một bài toán khó, nếu hạ thấp tiêu chí năng lực tài chính thì những doanh nghiệp nội có nhiều cơ hội hơn nhưng nguy cơ chọn phải nhà đầu tư yếu kém, nếu giữ các tiêu chí hiện tại thì hàng loạt nhà đầu tư Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trúng thầu.
Sở dĩ lo ngại bởi đã có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc làm công trình kém chất lượng, ban đầu bỏ giá thấp để trúng thầu nhưng sau đó điều chỉnh đội vốn khủng.
Nhà đầu tư Trung Quốc đã áp đảo vòng sơ tuyển với 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Dù chưa công bố kết quả nhưng nhìn vào thành phần tham gia cho thấy tỷ lệ trúng thầu rất cao với các nhà đầu tư Trung Quốc bằng nhiều hình thức như trực tiếp tham gia, liên danh với nhau hoặc liên kết với doanh nghiệp Việt Nam.
Đoạn qua tỉnh Khánh Hòa có 8 bộ hồ sơ thì có tới 4 nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư Trung Quốc. Đoạn qua tỉnh Bình Thuận, Cam Lâm - Vĩnh Hảo với 6 bộ hồ sơ thì đã có 3 bộ liên danh nhà đầu tư Trung Quốc, Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 5 bộ hồ sơ thì 3 liên danh nước ngoài có nhà đầu tư Trung Quốc. Đoạn qua tỉnh Đồng Nai có 9 bộ hồ sơ thì 4 bộ hồ sơ có nhà đầu tư Trung Quốc.
Đoạn qua tỉnh Thanh Hóa (Quốc Lộ 45 - Nghi Sơn), không có nhà đầu tư Việt Nam tham gia nhưng trong 5 bộ hồ sơ thì có đến 3 liên danh nhà đầu tư Trung Quốc. Đoạn qua tỉnh Nghệ An (Nghi Sơn - Diễn Châu) có 6 bộ hồ sơ tham gia thì 3 bộ hồ sơ có liên danh nhà đầu tư Trung Quốc. Đoạn qua Hà Tĩnh có 10 nhà đầu tư thì 4 nhà đầu tư và liên danh các nhà đầu tư Trung Quốc. Đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - QL45 (Thanh Hóa) có 11 bộ hồ sơ thì 6 bộ có sự tham gia nhà đầu tư Trung Quốc.
Tuy là vòng sơ tuyển nhưng có tính chất quyết định cơ hội tham gia dự án, xem ra cơ hội với các nhà đầu tư nội là rất thấp nếu so với những nhà đầu tư Trung Quốc.
Bài thầu là những thách thức với các doanh nghiệp nội, nhất là doanh nghiệp có quy mô không lớn. Trong khi đó, vòng sơ tuyển vắng bóng nhiều doanh nghiệp tầm cỡ từng đầu tư các dự án giao thông quy mô lớn và đủ khả năng đáp ứng những điều kiện cao nhất đối với yêu cầu bài thầu là khả năng tài chính như Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hạ tầng, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam và hàng loạt Tập đoàn nổi tiếng Vingroup, Sun Group, Xuân Thành.... Vòng sơ tuyển không thấy tên tuổi lớn nào vừa kể, thậm chí là chi nhánh hay liên doanh.
Còn đó bài học “Cát Linh”
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về quan điểm Chính phủ khi làm cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, triển khai dự án này dựa trên 3 nguyên tắc: Thứ nhất, thực hiện đúng quy định của pháp luật và đúng tiến độ đề ra. Thứ hai, công khai minh bạch theo quy định của pháp luật. Thứ ba, đây là dự án tác động lớn đến kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nên cần quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, thực tế trước đó có nhiều dự án lớn cũng được lãnh đạo ngành phát biểu trên nguyên tắc đúng đắn nhưng chọn nhà đầu tư yếu kém năng lực và đội vốn khủng.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) là một điển hình rõ nét nhất, đội vốn khủng, 8 lần trễ hẹn. Dự án có tổng mức đầu tư gần 553 triệu USD vào năm 2008, sau đội lên hơn 868 triệu USD (tăng hơn 315 triệu USD), phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm hơn 250 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam tăng thêm hơn 64,5 triệu USD. Về tiến độ, dự án khởi công ngày 10/10/2011, ban đầu dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 6/2014, nhưng từ khi khởi công đến nay dự án đã qua 8 lần phải điều chỉnh tiến độ và đến thời điểm này vẫn chưa rõ đến bao giờ mới có thể chính thức vận hành.
Dẫn chứng về dự án đường bộ thi công cẩu thả, không quan tâm đến chất lượng. Chẳng hạn trong dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hạng mục chính hầm chui đi qua địa bàn xã Tam Mỹ Tây huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam thuộc gói thầu A2, do Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng cầu đường Sơn Đông (Trung Quốc) làm nhà thầu thi công nhưng đã chống dột bằng băng keo dán.
Đại diện cho dân, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến. Đại biểu Nguyễn Thanh Vũ (TP HCM) “Khi nào giải quyết xong hậu quả cũng như chính thức vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới tính đến phương án để cho nhà thầu Trung Quốc tham gia thầu cao tốc Bắc - Nam”. Đại biểu Võ Thưởng (Quảng Nam) còn cảnh báo chuyện đội vốn khủng với nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc “Các nhà làm dự án nên lấy giá dự tính hiện nay nhân lên gấp 3 để sau này khỏi sốc”.
Kỳ II: “Chiêu thức” để trúng thầu và đội vốn khủng: Hóa giải cách nào?