VEC mắc kẹt giữa hai bà mẹ cũ - mới

Theo Báo Đầu tư 10/09/2019 15:21

Việc chưa phân định rõ ai sẽ giữ vai trò “cơ quan chủ quản dự án” đang khiến nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông rơi vào thế bế tắc.

Việc chưa phân định rõ ai sẽ giữ vai trò “cơ quan chủ quản dự án” đang khiến nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông rơi vào thế bế tắc.

Việc chưa phân định rõ ai sẽ giữ vai trò “cơ quan chủ quản dự án” đang khiến nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông rơi vào thế bế tắc.

Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang rất lúng túng khi vai trò cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư 5 tuyến đường cao tốc do đơn vị này đầu tư, khai thác vẫn chưa thể phân định rõ ràng. Nói nôm na, VEC đang mắc kẹt giữa hai bà mẹ cũ - mới.

“Trôi” hiệp định vốn

Lãnh đạo VEC đã không giấu sự thất vọng khi nhận công văn phản hồi của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đối với đề xuất được sử dụng nguồn vốn thu phí để thanh toán cho công việc được thực hiện và nghiệm thu sau ngày 29/4/2019 thuộc phạm vi sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) của Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Cụ thể, vào cuối tháng 8/2019, hơn 3 tháng kể từ khi VEC gửi đề xuất tới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ GTVT; một tháng rưỡi kể từ văn bản giải trình được gửi đi, VEC mới nhận được văn bản trả lời đầu tiên.

Theo đó, Bộ GTVT cho rằng, kể từ ngày 12/12/2018, Bộ GTVT đã ký Biên bản chuyển giao VEC sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do đó, đề xuất của VEC thuộc trách nhiệm giải quyết của Ủy ban. “Yêu cầu VEC báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để xem xét, xử lý theo quy định đảm bảo tiến độ Dự án”, Công văn số 7964/BGTVT - KHĐT, do ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.

Phúc đáp của Bộ GTVT là có thể hiểu được, bởi theo Nghị định số 131/NĐ-CP, kể từ ngày 1/1/2019, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ đồng thời giữ các vai: chủ quản, đại diện vốn chủ sở hữu, cấp quyết định đầu tư dự án, quản lý toàn bộ vốn nhà nước đầu tư dự án. Tuy nhiên, VEC cho biết, đến cuối tuần trước, Tổng công ty vẫn chưa nhận được chỉ đạo của từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - đơn vị đang đóng vai trò đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại VEC đối với đề xuất rất cấp bách này.

Theo VEC, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư 1,64 tỷ USD, đã cơ bản thông xe vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, Dự án vẫn còn một số hạng mục phụ trợ, đường gom, đường ngang... thuộc phần vốn vay WB chưa hoàn thành do vướng mặt bằng, hoặc phải kéo dài do phát sinh xử lý nền đất yếu. Nếu tính cả khối lượng bổ sung phát sinh, thì tổng giá trị các hạng mục còn lại vào khoảng 428 tỷ đồng. 

Điều đáng nói là, hiệp định vay vốn WB đã hết hạn từ ngày 24/4/2019 và nhà tài trợ không đồng ý cho kéo dài, dẫn tới việc các nhà thầu đã dừng thi công.

Để tháo gỡ vướng mắc, vào tháng 5/2019, VEC đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ GTVT cho phép sử dụng nguồn thu phí từ 4 tuyến đường do đơn vị này đang khai thác để chi trả cho khối lượng hoàn thành. Nếu được chấp thuận, ngoài việc không làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của 5 dự án, thời gian hoàn vốn Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thậm chí còn giảm thêm được 1 năm do không phải gánh phần lãi 428 tỷ đồng phần vốn vay WB không sử dụng.

Nguy cơ thiệt hại lớn

Cần phải nói thêm rằng, tình trạng chờ đợi việc phân định ai sẽ giữ vai trò “cơ quan chủ quản dự án” cũng đang khiến Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng mức đầu tư 1,488 tỷ USD rơi vào thế bế tắc.

Tại dự án này, 2 hiệp định vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có trị giá 647 triệu USD lần lượt hết hạn vào ngày 30/6/2019 (Hiệp định VIE - 2730) và ngày 30/6/2020 (Hiệp định VIE - 3391). Trong khi đó, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện mới chỉ đạt khoảng 72% khối lượng và chắc chắn chỉ có thể hoàn thành sau thời điểm 31/12/2020.

Vào tháng 7/2019, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT khẩn trương có Công thư gửi ADB đề nghị gia hạn hiệp định vay của Dự án để các cơ quan Việt Nam hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo quy định trong nước.

Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định về cơ quan chủ quản của Dự án theo kiến nghị của Bộ GTVT, cơ quan chủ quản Dự án được giao giải trình, làm rõ ý kiến của các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo quy định hiện hành.

Trước đó, với trách nhiệm là cơ quan quyết định đầu tư dự án đang thực hiện dở dang, Bộ GTVT đã thống nhất với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ GTVT tiếp tục thực hiện quyền và nhiệm vụ của cấp quyết định đầu tư đối với dự án đến khi xây dựng dự án hoàn thành (tổ chức rà soát, xử lý kỹ thuật, phê duyệt thiết kế điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục công trình, điều chỉnh dự án đầu tư, điều hành tổ chức thi công, chỉ đạo quyết toán dự án hoàn thành…). Giai đoạn kết thúc xây dựng đưa dự án vào khai thác do Ủy ban chịu trách nhiệm thực hiện (thực hiện chốt phương án tài chính, triển khai quản lý khai thác dự án hiệu quả.

Đây được cho là đề nghị hợp lý, do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới thành lập, chưa đầy đủ bộ máy để quản lý, điều hành dự án lớn, phức tạp và dở dang như các dự án của VEC.

Dù vậy, đến thời điểm này, vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau nên chưa có quyết định cuối cùng về thẩm quyền “cơ quan chủ quản dự án, cấp quyết định đầu tư”, chủ trương điều chỉnh Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn đang phải tạm treo.

VEC cho biết là đối với khoản vay 2730 - VIE, trong trường hợp không gia hạn đúng tiến độ, ADB chỉ cho phép giải ngân đến ngày 30/10/2019.

“Ngoài việc có khoảng 900 tỷ đồng khối lượng hoàn thành không thể giải ngân cho các nhà thầu, nếu không khẩn trương gia hạn hiệp định, Dự án có nguy cơ không hoàn thành vào tháng 6/2021, đồng thời gây thiệt hại rất lớn về tài chính do phải đền bù dừng thi công”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Theo Báo Đầu tư