Việt Nam lọt top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư

Linh Nga 17/09/2019 16:26

Việt Nam vượt qua các nước láng giềng Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia và Singapore để xếp thứ 8 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm nay.

sg

Được tăng cường bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng 7,1% trong năm ngoái (Ảnh minh họa)

U.S. News & World Report vừa công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư trong năm nay - 2019. Xếp hạng năm nay có sự khác biệt lớn với 3 trong số 5 nền kinh tế dẫn đầu danh sách thậm chí còn không được xếp hạng vào năm ngoái. Trong đó, Việt Nam vượt qua các nước láng giềng Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia và Singapore để xếp thứ 8, tăng từ vị trí 23 của năm ngoái.

Xếp hạng của U.S. News & World Report được đưa ra dựa trên ý kiến của 7.000 lãnh đạo công ty trên toàn cầu, đánh giá các quốc gia dựa trên 8 tiêu chí, gồm tinh thần khởi nghiệp, sự ổn định kinh tế, chính sách thuế thuận lợi, sự sáng tạo, lao động có tay nghề, chuyên môn về công nghệ, sự năng động và vấn đề tham nhũng. 

Các tiêu chí này được xây dựng dựa trên một báo cáo vào năm 2011 của Ngân hàng Thế giới, trong đó nhấn mạnh 4 yếu tố để một quốc gia trở thành địa điểm đầu tư tốt: con người, môi trường, các mối quan hệ và khung pháp lý, từ đó thúc đẩy cả cá nhân lẫn tổ chức đầu tư vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, thị trường tài chính, công nghệ hoặc các thương hiệu của nền kinh tế đó.

Danh sách top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019 theo thứ tự lần lượt là:Uruguay, Saudi Arabia, Costa Rica, Luxembourg, Ấn Độ, Ba Lan, Qatar, Việt Nam, Slovenia, Chile, New Zealand, Latvia, Malaysia, Singapore, Đan Mạch, Nga, Lithuania, Indonesia, Italy, Brazil.

Trước đó, trong một báo cáo do Ngân hàng DBS có trụ sở tại Singapore công bố, nhà kinh tế cấp cao Irvin Seah dự đoán rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ có thể vượt mặt Singapore vào năm 2029 nếu Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định từ 6% - 6,5% và Singapore tiếp tục tăng trưởng 2,5%/năm như hiện tại.

Về góc nhìn đầu tư cho thấy, được tăng cường bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng 7,1% trong năm ngoái - cao thứ 2 châu Á, chỉ sau Ấn Độ với mức 7,2%, đứng vào nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Và mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, nhưng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ duy trì ở mức khá cao 6,8% trong năm nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nhà xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ 2 tại ASEAN sau Malaysia. Đầu tư vào lĩnh vực này đang tăng nhanh và các “đại gia hàng điện tử” như Samsung, Microsoft là những nhà đầu tư đáng chú ý nhất. Song song đó, chi phí nhân công cạnh tranh cũng là một lợi thế giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất hấp dẫn...

Việt Nam chia sẻ nhiều rủi ro và thách thức giống như các nước khác trong khu vực, nhưng nền tảng kinh tế cơ bản của Việt Nam rất mạnh mẽ và có chính sách vững chắc đang đi đúng hướng, mang lại cơ hội tăng trưởng to lớn cho các công ty và nhà đầu tư.

Linh Nga