Cảnh báo của Bloomberg về hạ tầng của Việt Nam trước làn sóng FDI dồn dập và góc nhìn từ người trong cuộc

Theo Trí thức trẻ 27/09/2019 09:52

"Logistics Việt Nam sẽ mở cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư nhưng giờ chưa nhanh, những thủ tục nội bộ, cấp phép rất khó khăn", ông Dương Trí Thành, TGĐ Vietnam Airlines nói.

Bình luận về câu chuyện FDI chảy vào Việt Nam sẽ như thế nào đến cơ sở hạ tầng, ông Dương Trí Thành nói rằng hạ tầng đang đi chậm. 

"Trước khi Intel, Samsung vào Việt Nam, hàng hoá xuất khẩu bằng đường hàng không chỉ là trái cây, hải sản. Nhưng từ ngày FDI đổ vào mạnh mẽ, hàng không đã chuyên chở hàng điện tử, có giá trị cao. Chính sách Chính phủ cũng hết sức mở rộng cho phép gần như các hãng hàng không về hàng hoá tham gia. Tuy nhiên, khâu tổ chức còn yếu", ông Dương Trí Thành nhận định.

Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, ông nhắc đến quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài như một điểm nghẽn lớn. "Bộ GTVT đã nói rất nhiều về kế hoạch lớn ở cụm miền Bắc – Trung – Nam nhưng triển khai chậm".

Không chỉ với hạ tầng hàng không, bà Amanda Rasmussen, Giám đốc Vận hành của ITL Corp, và Chủ tịch AmCham TPHCM nhận định vận tải đường thủy chưa phát triển như tiềm năng, phụ thuộc vào đường bộ… đã đang ảnh hưởng lớn đến quyết định chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam của các nhà đầu tư Mỹ, dù trước đó có nhiều hào hứng.

Hiện chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm đến 21% GDP, là con số rất lớn so với các nước như Mỹ, Nhật hoặc các quốc gia Đông Nam Á khác.

Những điều này, khi đặt trong bối cảnh Việt Nam đang được đặt lên bàn cân lựa chọn cho sự dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia vì thương chiến Mỹ - Trung sẽ trở thành vấn đề lớn. Nó đưa ra bài toán: hoặc cải thiện vấn đề hạ tầng, hoặc để tuột đi cơ hội lớn.

Tờ Bloomberg trước đó cũng đưa ra cảnh báo cơ sở hạ tầng quá tải, giá thuê đất tăng cao sẽ là những trở ngại trong việc dịch chuyển nhà máy của các tập đoàn đa quốc gia.

"Việt Nam đang bị quá tải", tờ này mô tả và dẫn lời phàn này của nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài.

Đơn cử như Tapestry, chủ sở hữu của các thương hiệu Coach và Kate Spade, nói với Bloomberg rằng một số container bị đình trệ trên vùng biển. Trong khi đó, Eclat Textile, nhà cung cấp của Nike, cho biết họ cần đa dạng hóa ngoài Việt Nam, bao gồm cả các địa điểm có chi phí thấp hơn.

Cơ sở hạ tầng là thách thức lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là tại các cảng. Chính phủ Việt Nam ước tính sẽ chi khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng (3,44 - 4,31 tỷ USD) để phát triển hệ thống cảng biển. Song, việc nâng cấp các cảng hiện tại hay xây cảng mới vẫn chưa đem lại nhiều hiệu quả.

Sự tắc nghẽn tại các cảng dẫn tới chi phí tồn kho tăng và dây chuyền sản xuất ít đa dạng hơn, giao thương sẽ bị giới hạn ở những hàng hóa không quá nhạy cảm với thời gian. Do đó, Việt Nam cần  đầu tư thêm cho kho, cảng biển, nhà ga đường sắt, và kho container nội địa.

Ông Tsai Wen Jui, chủ tịch của nhà sản xuất yên xe đạp của Đài Loan có nhà máy tại Bình Dương, DDK Group cho biết, với tình hình hiện tại, Việt Nam chắc chắn không thể đáp ứng nhu cầu của làn sóng dịch chuyển sản xuất. Ngay cả khi chỉ 5% các công ty Đài Loan tại Trung Quốc chuyển đến Việt Nam, cơ sở hạ tầng cũng sẽ bị quá tải.

Theo Trí thức trẻ