"Dứt tình" bất động sản, HAGL còn lại gì?

Linh Nga 02/10/2019 00:35

Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua việc thoái số vốn còn lại ở dự án bất động sản tại Myanmar. Bên nhận chuyển nhượng là Đại Quang Minh, công ty địa ốc của Thaco.

Toàn cảnh khu phức hợp tại Myanmar của Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh:HAGL.

Toàn cảnh khu phức hợp tại Myanmar của Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh:HAGL.

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa thông báo Nghị quyết của HĐQT về việc chuyển nhượng 48% vốn tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh cho Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh.

"Rút chân" khỏi "cứ điểm" cuối cùng

Cụ thể, HAGL chuyển nhượng 196.368.900 cổ phần tương đương 47,93% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh cho đối tác. 

Sau giao dịch trên, Thaco của Chủ tịch Trần Bá Dương thông qua Đại Quang Minh sẽ sở hữu 100% vốn tại dự án khu phức hợp Hoàng Anh Myanmar. Đây là dự án bất động sản cuối cùng của Hoàng Anh Gia Lai.

Tại lễ kỷ niệm một năm hợp tác chiến lược giữa Hoàng Anh Gia Lai và Thaco, "bầu Đức" cho biết số tiền Đại Quang Minh bỏ ra để tiếp quản dự án Hoàng Anh Myanmar là 8.155 tỷ đồng.

Thaco sẽ chịu trách nhiệm đẩy nhanh việc xây dựng giai đoạn 2 của dự án đang chậm tiến độ để sớm hoàn thành theo cam kết với Chính phủ Myanmar.

Trong báo cáo thường niên 2018, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đã thông báo sẽ rút lui hoàn toàn khỏi mảng bất động sản trong năm nay. Đây là một phần trong chiến lược bán tài sản để cải thiện khả năng thanh khoản của công ty bầu Đức.

Cách đây một thập niên, bất động sản là mảng kinh doanh chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp, góp phần tạo nên tên tuổi của HAGL. Tuy nhiên, đến nay, Tập đoàn này phải thoái vốn khỏi dự án này để trả bớt nợ và giải quyết nhu cầu thanh khoản.

Báo cáo thường niên năm 2018 cũng cho thấy, trong lĩnh vực bất động sản, doanh thu cho thuê và cung cấp dịch vụ của dự án Hoàng Anh Myanmar tính đến 9/2018 là 709 tỷ đồng.

Tính cả năm 2018, doanh thu dịch vụ cho thuê đạt 509 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 9,4% trong tổng doanh thu của HAGL. Số lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp đạt 55,3%. Các con số đóng góp này chủ yếu từ khu phức hợp Hoàng Anh - Myanmar.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp trải qua thời gian dài vô cùng khốn khó, trước áp lực nợ vay, vốn bị chôn tại hàng ngàn ha cao su khi thị trường lao dốc…

Trụ cột mới

Mục đích của việc thoái hết vốn khỏi dự án từng được định vị là "miếng bánh tỷ USD" tại Myanmar trong năm 2019 của bầu Đức là để chuyển dòng vốn này vào phát triển các vườn cây ăn trái quy mô đại công nghiệp.

So với mảng mía đường và chăn nuôi bò kết thúc khá chóng vánh chỉ trong 1-2 năm, trái cây đang được HAGL đầu tư mạnh và nghiêm túc hơn, đặc biệt thông qua hợp tác cùng Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương.

Với sự hỗ trợ của Thaco từ vốn, công nghệ, giống đến việc sản xuất, tiêu thụ, mảng trái cây đến nay cơ bản đã thiết lập được cơ sở, bầu Đức từng tuyên bố sẽ dốc toàn lực thúc đẩy mảng này, hướng đến mục tiêu đứng số 1 châu Á về nông nghiệp.

Khẳng định cuộc hôn nhân tỷ USD giữa Hoàng Anh Gia Lai và Thaco đã đi đúng hướng, bầu Đức cho biết đến giữa năm 2020, HAGL Agrico sẽ cân đối được thu chi. Trong đó có các khoản trả nợ tới hạn của ngân hàng và từng bước trả nợ dần các khoản Thaco đang cho vay và nhận nợ thay.

Ông Đức cho biết, năm 2018, nhu cầu đối với phần lớn các nguyên liệu sản xuất, trong đó có mủ cao su, vẫn ở mức thấp, giá cả chưa thể phục hồi ổn định. Chính vì vậy, ngành cao su của HAGL vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn. Áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó mà HAGL cần sớm tìm ra lời giải.

Trong khi đó, ngành cây ăn trái đã mang lại nguồn doanh thu khả quan với mức 2.897 tỷ đồng, đóng góp 53,8% trong tổng doanh thu của tập đoàn. Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái đã trồng được là 18.675 ha với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh, và hơn 10 loại cây ăn trái khác. Với diện tích cây ăn trái này, ông Đức kỳ vọng sẽ mang lại nguồn doanh thu chủ lực cho năm 2019.

Linh Nga